Phố xá đìu hiu quá, quay qua quay lại có vài móng người. Ai cũng trông gấp gáp và lo lắng cả, không lỉnh kỉnh đồ này đồ nọ thì cũng tất bật đi cho xong công chuyện. Chắc có việc quan trọng lắm họ mới ra khỏi nhà hoặc giả họ cũng đi mua đồ nhu yếu phẩm như mình. Sống trong đại dịch này, nỗi sợ bí ý tưởng bây giờ xa xỉ quá so với những lo lắng và sợ hãi đang hiện hữu trên khuôn mặt của mỗi người.
Đà Nẵng những ngày còn bình yên
Nhớ những hôm bí ý tưởng để viết lách những thứ hay ho hơn, mình thường xách con xe Wave xịn sò ra khỏi nhà. Vít ga lên 60-65km/h dọc đường biển Nguyễn Tất Thành. Gió biển thổi căng tràn lồng ngực, hít vào nghe thật no đầy và bổ phổi. Làn gió phả vào mắt cay xè vị muối biển. Rát nhưng đã!
Lên ga chạy dọc cung đường Nguyễn Tất Thành lên tới giữa cầu Thuận Phước. Đà Nẵng về đêm vẫn lung linh và rực rỡ ánh đèn như vậy. Đứng trên cầu nhìn xuống hai bên sông Hàn, người xe nườm nượp. Tiếng cười nói lao xao, tiếng động cơ rú máy ầm ầm. Thành phố này về đêm vẫn luôn ồn ào náo nhiệt như vậy!

Rồi những ngày áp dụng chỉ thị 16 của Bộ Y Tế
Đà Nẵng giãn cách xã hội trở lại đến nay đã gần hai tháng. Trời hè nóng như lửa đốt. Ngồi nhà miết, bao quanh là bốn bức tường chật hẹp. Không khí chắc bám bụi và chật nít CO2 nên bản thân cũng thấy ngột ngạt và khó thở hơn nhiều. Không biết chị bán cá trước kiệt 109 có còn mở hàng như thường lệ. Sạp rau giao giữa ngã ba đường Mẹ Suốt và Phạm Như Xương vẫn đông khách hay không nữa. Những hôm bất đắc dĩ phải ra khỏi nhà để đi mua nhu yếu phẩm, quẹo xe ra khỏi kiệt chậm chậm để tận hưởng cái cảm giác hít thở không khí tươi mới được nhiều hơn. Đi qua mấy con ngõ quen người ta đã chăng dây và treo biển Khu vực cách ly đến hai ba lối.
Chạy dọc đường Phạm Như Xương để ghé chợ Hòa Khánh. Đang bon bon trên đoạn đến ngã ba dự định sẽ rẽ phải để vào chợ lượm ít đồ rồi về ngay. Ai ngờ chưa đến khúc cua thấy phía trước đã có chốt chặn, đóng biển: “Khu vực Phường Hòa Khánh Bắc thực hiện cách ly y tế theo chỉ thị 16 của Bộ Y tế”. Thôi đành vậy, quay xe rẽ vào con ngõ khác đổ ra đại lộ Tôn Đức Thắng. Đại lộ giao thông của thành phố nên đường này người ta không giăng dây. Nhưng nhà cửa hai bên đường thì khu nào khu nấy rào chắn kỹ càng. Lòng như chùng lại từng chút một theo tiếng bánh xe lăn!
Phố xá đìu hiu quá, quay qua quay lại có vài móng người. Ai cũng trông gấp gáp và lo lắng cả, không lỉnh kỉnh đồ này đồ nọ thì cũng tất bật đi cho xong công chuyện. Chắc có việc quan trọng lắm họ mới ra khỏi nhà hoặc giả họ cũng đi mua đồ nhu yếu phẩm như mình. Sống trong đại dịch này, nỗi sợ bí ý tưởng bây giờ xa xỉ quá so với những lo lắng và sợ hãi đang hiện hữu trên khuôn mặt của mỗi người.
Định hình nỗi sợ
Từ Tết, nỗi lo sợ ngày một gần hơn. Đầu năm 2021 đến nay, riêng số liệu thống kê bởi Tổng cục thống kê Việt Nam, 9,1 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đó là con số được công bố chính thức, nhưng chắc hẳn thực tế sẽ còn vương vãi nhiều mảnh đời tương tự chưa được ghi tên. Đà Nẵng – thành phố du lịch này qua bao mùa rồi nhưng nhà hàng, khách sạn vẫn chưa mở cửa trở lại. Mà thực ra có mở cửa thì cũng không có khách. Nên thay vì để không, nhiều khách sạn ở Đà Nẵng đã trở thành địa điểm cách ly tập trung của người từ Sài Gòn trở về quê tránh dịch. Không biết ở nơi khác thì sao, chứ ở đây thì tình người vẫn nồng đượm như thế.
Nhiều học sinh cứ đùa nhau rằng, lễ 30/04 và 01/05 sao mãi chưa thấy hết. Sinh viên ai lại về nhà nấy. Hầu hết các trường tạo điều kiện để tổ chức học và mới đây còn phải thi online để thích nghi với hoàn cảnh của dịch bệnh như hiện tại. Hôm bữa trên facebook có mấy em sinh viên than thở, bảo chuyện thi cử online mùa dịch nghe oái oăm và tức cười quá. Điều này chưa thế hệ sinh viên nào phải trải qua, nhưng biết làm sao được, chả lẽ giờ không học nữa?

Cũng mới hôm qua đây thôi, em họ mình nhắn tin. Bạn ấy bảo ở công ty mới test nhanh phát hiện 26 ca dương tính rồi, giờ đang chờ kết quả kiểm tra PCR chính thức. Cả công ty thực hiện 3 tại chỗ cũng đã được gần hai tuần. Mọi người ăn ở, sinh hoạt cùng nhau. Bây giờ một vài người bị, những người còn lại lo sợ và hoang mang lắm. Sống trong sợ hãi, đợi đợt xét nghiệm tiếp theo không biết người dương tính có phải là mình hay không nữa. Bạn ấy bảo: “Biết vậy đợt trước đi xe máy về rồi cách ly tập trung cho rồi. Ở miền Nam giờ nguy hiểm quá!”. Mình chỉ biết nhắn lại động viên một chút. Giờ biết nói gì hơn nữa đây vì lời lẽ nào cũng không thể khỏa lấp được nỗi lo sợ đang hiệu hữu trước mắt họ, mà ngày mai đôi khi nó có thể thành sự thật!
Tối nào mẹ cũng gọi điện cho thằng em đang làm việc ở Sài Gòn, bảo nó về. Về quê rồi có gì ăn đó, khi nào dịch bệnh qua đi rồi đi làm tiếp, cũng chưa đói ăn đâu mà sợ. Kiếm tiền quanh năm suốt tháng chứ không phải ngày một ngày hai, không lúc này thì lúc khác. Đôi khi nỗi lo của những bậc làm cha làm mẹ còn làm chúng ta buồn và nao lòng hơn chính dịch bệnh ở miền trong.
Đợt di dân về Miền Trung đặc biệt nhất lịch sử
Người ta gọi đây là đợt di dân về Miền Trung lớn nhất, đặc biệt nhất và là những chuyến đi mệt mỏi nhất lịch sử. Trên facebook tràn lan những video dòng người ồ ạt rời Sài Gòn mấy ngày hôm nay với đủ những câu chuyện đọc mà buồn thêm. Xe khách không chạy nữa, họ phải tự đi xe máy. Hầu hết trong đó là con em miền Trung xa xứ vào nam lập nghiệp; có cả công nhân, nhân viên văn phòng hoặc sinh viên chưa kịp trở về sau đợt giãn cách 30/04. Hành trình dài như vô tận, không nơi ăn chốn ngủ đàng hoàng. Có em bé còn đỏ hỏn khát hơi sữa phải dừng xe lại dọc đường trú tạm lán nhỏ hay lùm cây để mẹ cho em bú tạm. Có hai cha con trên đường về Nghệ An bị tai nạn, người bố không qua khỏi, người con nguy cấp hiện còn cấp cứu trong bệnh viện. Có những chuyến tàu từ Nam chở đồng bào về quê nhưng không được ghé lại, phải quá giang cách ly ở các vùng lân cận đó. Chuyện viết ra cho hết thì có dài vài ba trang giấy. Nhưng tựu chung lại nỗi niềm của những người xa quê sợ không có ngày về, càng nghe càng thấy thương tâm.

Mình không nói về những nỗi sợ lớn lao hơn như bị nhiễm bệnh hay cái chết. Mình chỉ muốn kể về những vụn vặt bắt gặp đâu đó hằng ngày mình đã thấy qua. Để bản thân hiểu rằng cuộc sống bình yên này đáng trân trọng đến nhường nào. Trong đại dịch, tình người lại càng nồng đượm. Nhưng những cảnh đời éo le nhiều quá, có mấy tình người mà che phủ hết những mất mát phải trải qua.
Dịch bệnh hãy còn tiếp tục lâu nữa, mỗi người cố gắng tự chăm sóc chính mình và sống khỏe mạnh nhé.
Gửi đến các bạn nhiều yêu thương chân thành!