Chào các bạn. Mình là Mạc Lan – một người thích viết!
Blog này mình chia sẻ đến các bạn cảm nhận sau khi xem tác phẩm điện ảnh Em và Trịnh (EvT). EvT (không phải Trịnh Công Sơn) có thực sự đáng xem như một vài review phim và nội dung PR trước đó?
NỘI DUNG BLOG
Em và Trịnh (EvT) - bản tình ca về cuộc đời của Trịnh Công Sơn trên màn ảnh rộng
Có một dạo mình ghé Gác Trịnh hồi đến Huế vào năm 2021, đó là lần đầu tiên mình biết tới dự án EvT được khởi quay mấy năm trước. Qua lời kể nhẹ nhàng của anh chủ Gác Trịnh, từng thước phim về Trịnh Công Sơn (TCS) thời trai trẻ đã hiện lên trên đầu mình khá rõ nét, từ đó lại càng thôi thúc mình theo dõi và chờ đón EvT.
Phải nói rằng, từ First Look cảnh Diễm bước vào âm nhạc của TCS trong một chiều mưa đã khiến mình mê mẫn cho tới Teaser khung cảnh B’Lao đầy nắng và gió, từng câu từng chữ của Trịnh trong thư tình gửi Dao Ánh. Mọi thứ quá xuất sắc khiến mình chờ mong từng ngày để đợi phim ra rạp. Tuy nhiên càng cận kề ngày khởi chiếu, nhiều thay đổi của dự án khiến mình khá bất ngờ, không biết nên buồn hay nên vui nữa:
- Official Trailer của EvT nhận được khá nhiều phản hồi tiêu cực từ cộng đồng mạng, đặc biệt là nhiều hoài nghi về diễn xuất của nam nhân vật chính thủ vai TCS, sự non trẻ của diễn viên này chỉ trong một vài frame hình nhỏ chưa lột tả được cái “đời” của vai diễn. Giọng Huế của anh cũng khá èo uột, khó nghe, không đúng chất Huế, nghe ra mùi ủy mị, dân Huế nghe và không thể chấp nhận được.
- Gần sát ngày công chiếu, đoàn làm phim EvT tuyên bố sẽ có hai bộ phim về TCS được ra rạp cùng một lúc. Bản “Trịnh Công Sơn” khắc họa những mối tình thơ và âm nhạc của cố nhạc sĩ thời trai trẻ trong khi EvT sẽ là cuốn phim tua ngược về những thăng trầm chất chứa trong từng bản nhạc, lời ca của người nghệ sĩ. Có thể nói “Trịnh Công Sơn” sẽ là bản rút gọn của EvT trên nhiều phương diện. Nước đi này của nhà sản xuất có vẻ gây bất ngờ cho khán giả và khiến người theo dõi băn khoăn khi quyết định nên xem bản nào trước hay là xem cả hai? Và nhiều người “để cho bỏ ghét” đã quyết định không xem bản nào cả :v
- Trước ngày công chiếu tầm 1-2 tuần, hàng loạt bài “seeding” trên các group, fanpage lớn nói về EvT với những lời khen nức nở làm người ta liên tưởng đến sự PR qua ố-dề của Bố Già một thời. Việc PR mang lại tiếng vang và mức độ nhận biết của bộ phim tới nhiều khán giả hơn. Tuy nhiên việc đặt kỳ vọng của khán giả ở mức cao sẽ khiến bộ phim dễ nhận lại nhiều chỉ trích của người xem sau khi ra rạp khi kỳ vọng đó không được đáp ứng. Hiểu đơn giản là, với một bộ phim có thể thành công ở mức 7-8 điểm (đặc biệt là phim Việt) thì việc đặt kỳ vọng của khán giả ở mức 9-10 khi ra rạp sẽ nhận về nhiều “trái đắng” khi khán giả không nhận được trải nghiệm đúng hoặc cao hơn kỳ vọng. Việc nhiều review nhận xét rằng khán giả “đã bật khóc ngay từ 20s đầu của bộ phim” nghe như một trò đùa quá lố :v
- EvT ngay từ đầu đã được nhận xét là dự án kén khán giá, đặc biệt là giới trẻ. Vì vậy, đoàn làm phim đã đưa ra nhiều chiến dịch PR để bộ phim gần hơn với phân khúc đối tượng người xem này. Series “Gen Z và Trịnh” hay “Tiktok và Trịnh” đã gặt hái được nhiều thành công khi đưa bộ phim viral hơn tới đại bộ phận người xem trẻ tuổi.
Cảm nhận về Em và Trịnh (không phải Trịnh Công Sơn)
Vì vậy, từ những hào hứng ban đầu, mình ra rạp xem suất chiếu đặc biệt đầu tiên của EvT trong tâm thế nghi ngờ, cố gắng không để kỳ vọng của bản thân ở mức cao để không phải thất vọng nhiều như khi xem Bố Già. Bất ngờ là khi rời rạp, trong đầu mình vẫn là những hoài nghi, không biết nên khen hay nên chê cho những thước phim được đầu tư tỉ mỉ đến thế nhưng không tránh khỏi việc làm khán giả thất vọng khi hình tượng một TCS được xây dựng không quá trọn vẹn xuyên suốt 135p xem phim.
Như đã nói ngay từ đầu, EvT sẽ là bản phim tua ngược lại những thăng trầm của TCS gắn với con đường sáng tác của nhạc sĩ. Trong bản phim này, có hai hình ảnh TCS xuất hiện: thời trai trẻ và tuổi hoa niên. Trái ngược với nhiều khán giá đánh giá về Avin Lu, mình thấy sống sượng ngay từ khoảnh khắc TCS ở tuổi hoa niên xuất hiện trong màn gặp gỡ với cô gái Nhật – Michiko. Bấm bụng nghĩ ngay “Quả này thất vọng tràn trề rồi”.

Nhưng không hẳn, phim càng xem lại càng ổn khi đan xen từng đoạn suy tư của TCS về những mảng đời, những ký ức đã đi qua trong từng giai đoạn, dấu ấn khiến ông sáng tác ra những bản tình ca bất hủ trong đời. Nếu Trần Lực mang lại cảm giác sống sượng cho mình thì Avin Lu lại có cái mộc mạc, hiền hậu, dè dặt khiến mình yêu thích ngay từ khi xuất hiện. Không phải là nét “đời”, bởi nó vốn làm sao xuất hiện quá sớm ở một chàng trai trẻ tuổi đến vậy? Avin Lu có nét khờ khạo, có tình yêu đầu đơn thuần, say mê như cách mà người nhạc sĩ trẻ khi ấy sáng tác ra những nốt nhạc đầu tiên dành tặng Thanh Thúy hay Bích Diễm. Có thể nghệ thuật không phải là thứ gì đó quá tương đồng với tính cách hay ngoại hình của một con người. Một TCS trông có vẻ trẻ tuổi, non nớt, dè dặt,… vì sao không thể sáng tác nên thứ âm nhạc sâu lắng và đậm chất thơ? Bởi với mình bản ngã nghệ thuật của ai đó không phải nằm ở ngoại hình hay tính cách mà nằm ở cảm nhận của họ đối với sự vật, sự việc xung quanh và cách truyền tải nó vào tác phẩm của mình.
Thật là thiếu sót khi không nói về những nàng thơ đã xuất hiện trong bản phim này. Nếu nói là ấn tượng, mình thích cách mà diễn viên Hoàng Hà và Bùi Lan Hương (BLH) thể hiện vai diễn của mình, đặc biệt là âm nhạc BLH thật sự khiến người xem rung động. Hoàng Hà có nét ngây thơ, trong sáng, tinh nghịch của Ánh hướng dương và cách Hà thể hiện nó cũng thật tự nhiên. Mình từng nghe khá nhiều podcast Nắng Thủy Tinh và podcast riêng của Hoàng Hà nên mình nghĩ Hà không cần diễn thì chất Dao Ánh vốn dĩ đã sẵn có rồi. Về phần BLH, âm nhạc của cô nàng theo một số người nhận xét có thể “cân cả bộ phim”. Người ta có thể đáng ra rạp để nghe BLH hát chứ chưa cần đến diễn. Nhưng chất diễn của BLH cũng hay đấy chứ, có phần sắc sảo, rung động nhưng bình thản. Dù là khi nói chuyện với Sơn hay hát tình ca, hát nhạc phản chiến của người nhạc sĩ trẻ. Ngược lại với kỳ vọng thì Thanh Thúy (diễn viên Nhật Linh) chỉ xuất hiện trong một vài phân cảnh đầu của phim và kết vai khi chưa có một thoại nào thật sự tử tế. Cả Bích Diễm (diễn viên Lan Thy) thủ vai cũng thế, nếu không kể câu cuối cùng Diễm gọi với theo TCS, khán giả chắc nghĩ cô này có vấn đề về việc nghe-nói vì dù ai có e ấp, dè dặt bao nhiêu thì cũng không thể bất lịch sự đến nổi giao tiếp cơ bản cũng chẳng nói lấy một câu mà cứ phải nhờ Dao Ánh nói hộ.

Với vai diễn Michiko xuất hiện khá nhiều trong bản phim EvT, mình lại không có nhiều ấn tượng. Phải nói sao nhỉ? Có thể là không ấn tượng và khó đưa ra lời nhận xét. Trong phim mình thấy một Michiko có tình ý với TCS nhưng mình chưa thực sự thẩm thấu được tình yêu mà Michiko dành cho âm nhạc của ông. Không có lý do đặc biệt hay phân cảnh nào đặc trưng cả, đơn giản đây chỉ là cảm nhận của mình với tư cách là một khán giả yêu thích nhạc Trịnh. Cuối cùng là sự xuất hiện của Dao Ánh thời luống tuổi (Phạm Quỳnh Anh thủ vai) và “giọng hát” của cô Bống Hồng Nhung (Hoàng Yến Chibi góp giọng). Hai “nhân vật” này nhận được sự “chê” trên hầu hết các mặt trận và hầu như nhiều bài review đã chỉ ra sự sượng trân của PQA trong những phân cảnh cuối rồi nhưng mình nghĩ khán giả đã quá khắt khe với giọng hát của Hoàng Yến. Với mình, giọng hát của Yến trong cảnh cuối của bản phim EvT không ấn tượng lắm, nhưng cũng không tệ đến nổi phải nhận được nhiều phản ứng tiêu cực đến vậy.
Bản Em và Trịnh có thực sự đáng xem?
Phim EvT có hay như kỳ vọng không?
- Không, bản phim có nhiều cảnh chắp vá, nhiều cảnh phim gây cảm giác ức chế và tụt mood cho khán giả khi chuyển cảnh giữa các phân khúc thời gian không được mượt mà. Thời lượng phim rõ ràng không đủ để biên kịch có thể khái quát hết cuộc đời của TCS trong khi đạo diễn Phan Gia Nhật Linh như thường lệ vẫn ôm đồm khá nhiều để thể hiện trong 135p (chưa nói đến bản 95p) khiến cho nhiều cảnh phim mờ nhạt, bối cảnh không rõ ràng. Diễn xuất của dàn cast “mới” cũng có nhiều thiếu sót nhưng với mình ngay cả một diễn viên gạo cội như Trần Lực cũng chưa đủ lột tả được cái chất “đời” của TCS lúc đã ở tuổi xế tà.
Phim EvT có đáng thất vọng không?
- Không, bản phim không hoàn hảo những cũng có nét hay riêng. Hơi thở thời đại được thổi vào từng dòng chảy thời gian qua từng bản nhạc của TCS, người xem cũng có những trải nghiệm cho riêng mình và điều đó mình nghĩ còn tốt hơn nhiều phim Việt hài hước nhảm nhí nhưng vẫn ra rạp đều đặn. Màu phim đẹp, nước phim đẹp, âm nhạc Trịnh tuyệt vời qua các bản phối của Đức Trí, Avin Lu hay BLH đều thể hiện những ca khúc ấy tròn trịa và làm ơn đừng so sánh với bản gốc. Ngay từ đầu, nghệ sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (em gái cố nhạc sĩ TCS) đã nói rằng, EvT là những thước phim ước lệ về cuộc đời và âm nhạc của TCS nhưng nhiều khán giả vẫn quá khắt khe trong việc đánh giá giọng hát, ngoại hình hay các sự kiện xuất hiện trong phim nếu so với thực tế. Điều đó chỉ là ảnh hưởng đến trải nghiệm xem phim của bạn theo hướng tiêu cực mà thôi.
Điều gì đáng xem nhất ở EvT?
- Âm nhạc mang hơi thở thời đại của TCS được thể hiện đúng lúc, đúng chỗ, đúng người. BLH hát nhạc Trịnh xuất sắc theo một cách riêng. Những cảnh phim theo dòng hồi tưởng của TCS khiến người xem thực sự xúc động bằng cách ông viết Diễm Xưa hay cách ông cảm nhận được nổi đau chiến tranh trong những ca khúc phản chiến của mình. Có những phân đoạn lồng ghép tư liệu lịch sử mà một số bạn nhận xét là “quá nhiều” và “không cần thiết” thì chính những cảnh phim đó khiến mình sống dậy được đúng cảm xúc của thời đại mà TCS đang sống, đang cảm nhận và đang sáng tác. Đáng tiếc là một số ca khúc phản chiến hay của TCS không thể xuất hiện trong phim vì lý do kiểm duyệt nhưng từng đó cũng đã đủ với một fan của Trịnh Ca như mình.

Diễn viên nào đáng xem nhất ở EvT?
- Bùi Lan Hương. Mình không hề do dự đưa ra câu trả lời. Mình thích cách Avin Lu diễn tả sự nhẹ nhàng một cách dè dặt của TCS thời trẻ, thích sự trong trẻo tinh nghịch của Hoàng Hà nhưng phải đến BLH mình mới thực sự cảm nhận một cách sâu sắc những bản tình ca của Khánh Ly – một bà mẹ 2 con đi hát theo cách bình thản mà TCS hay nói. Trong dàn cast phụ mình cũng khá ấn tượng với vai diễn nhà thơ, thầy giáo Ngô Kha (diễn viên Samuel An), đặc biệt là cảnh phim bài phát biểu đấu tranh cho phong trào hòa bình của Ngô Kha làm mình thực sự xúc động.
“Hãy vẽ thật huy hoàng trên cái chết
người Ai Cập có Tự tháp
người Hy Lạp có Nhã điển
người Da Đen có thánh ca
Việt Nam có tuẫn tiết
chúng ta hẹn hò bất diệt
như dân tộc Việt Nam bao lần đứng lên
ca dao làm mạch sống
Cách mạng để thành công
đất mẹ xưa vốn gầy
người yêu ta từng khóc
bóng tối dẹp tan
ta ngồi trông mặt trời mọc
ngày mai ngoài đồng cỏ ca hát
mọi người đi hái hoa
chúng mình gọi tên nhau ngày hồi sinh
em mặt trời mọc
và anh Tự-Do.”
Cảnh phim nào “sống sượng” nhất trong EvT?
- Nhiều cảnh 🙂 . Nhưng để phải chọn một cái nhất, mình chọn cảnh đầu phim khi Michiko lần đầu ghé nhà TCS ở Sài Gòn. Cảnh phim đầu khiến mình khá ngộp theo kiểu: “Ủa ai vậy? Ủa Sơn nào vậy, mình không quen TCS nhảy nhót hát hò kiểu như này”. Mình cũng không quen lắm bạn người Nhật có thể nghe trôi chảy giọng Huế ngay từ lần đầu tới Việt Nam mà không cần nhắc lại lần nào cả trong khi dân SG hay HN cũng chưa hẳn đã làm được.
Cảnh phim nào xúc động nhất EvT?
- Cảnh TCS ngồi xe từ B’Lao về lại Huế, hiển hiện trong mắt người nhạc sĩ trẻ là những đau thương của dân tộc trong chiến tranh. Trên chuyến xe ấy, mình đã hy vọng ca khúc “Hát Trên Những Xác Người” đã được vang lên thì cảnh phim sẽ còn hoàn hảo và tuyệt vời hơn nữa. Nhưng thôi, từng ấy cũng đã đủ khắc lên tất thảy những đau khổ, cuồng quay của dân tộc trong chiến tranh.

Cuối cùng, EvT có thực sự đáng xem hay không?
- Có, ở một vài khía cạnh nào đó. EvT thành công trong việc khắc họa lại những thăng trầm chất chứa trong từng bản nhạc của người nhạc sĩ. Từ cách ông sáng tác Diễm Xưa, Nắng Thủy Tinh với những trong trẻo của tình ca tuổi trẻ cho đến những “Ca Khúc Da Vàng” mang đậm hơi hưởng phản chiến. Âm nhạc là cái hay đầu tiên của phim, tiếp theo là bối cảnh, màu phim, nước phim cho tới cách dựng phim cũng xứng đáng nhận được một lời khen bởi sự tỉ mỉ, chỉnh chu của nhà sản xuất. Với những người am hiểu về Nhạc Trình và cuộc đời của TCS, bản phim EvT sẽ là cơ hội hiếm hoi để chiêm nghiệm lại những lời ca sâu sắc ấy lên màn ảnh rộng theo một cách khác biệt. Đối với những người chưa biết nhiều về TCS cũng như âm nhạc của ông, EvT mang lại những cái hay ho, đem lại nhưng bối cảnh đúng – đủ – hay về cách mà người nghệ sĩ thấu cảm tình yêu đơn phương, tình yêu đôi lứa, tình đời và tình yêu cuộc sống hòa bình. Đối với người trẻ, điều đó lại càng đáng trân trọng hơn nữa trong xã hội mà nhiều giá trị sống đang dần bị thui mòn theo sự phát triển của thời đại.
Có một vài điều khiến mình day dứt sau khi xem EvT. Có thể là khi Michiko bỏ về Nhật chỉ để lại cho TCS vài lời trăn trở, đó là khi Dao Ánh quay lại thăm TCS sau 20 năm nhưng bản nhạc “Xin trả nợ người” không được vang lên. Xem phim, qua những mối tình thơ của TCS, có lẽ đến sau cùng mình thấy được (trong phim) người ông yêu nhất vẫn là Dao Ánh – Ánh hướng dương ngày nào nhưng tình cảm ấy qua từng frame hình vẫn chưa thực sự sâu sắc và đáng trăn trở suốt đời. Và có một Hồng Nhung hay Thanh Thúy chỉ kịp xuất hiện qua giọng hát chứ chưa kịp góp mặt rõ ràng, thậm chí đến cảnh phim cuối cùng mình vẫn mong chờ để thấy mặt chị Bống nhưng chắc có lẽ thời lượng phim không cho phép. 135p không phải là quá ngắn cho một tập phim điện ảnh nhưng mình vẫn thấy ngắn, thấy chưa đủ, muốn xem rõ, xem thêm thật tỉ mỉ hơn về bản tình ca tuổi trẻ của người nghệ sỹ. Có lẽ biên kịch và đạo diễn đã có thể làm tốt hơn nữa khi chắt lọc trong từng cảnh phim và nội dung chính của truyện để ít ra có một nhân vật nào đó thực sự xuất sắc trong vai diễn của chính mình chứ không phải tất cả đều ở mức khá đến tốt, diễn “tròn vai” nhưng không nhiều điểm nhấn như bản phim này.
P/S: Tư liệu hình ảnh & video được lấy từ phim Em và Trịnh