Chào các bạn, mình là Mạc Lan – một người thích viết!
Series “Hành trình làm Freelancer” là câu chuyện mình dành để kể riêng về những trải nghiệm làm Freelancer cho người mới bắt đầu. Đồng thời cũng là nơi để mình chia sẻ những kinh nghiệm, bài học mà mình tích lũy được thông qua quá trình vừa học vừa làm như một Freelancer kiếm tiền tại nhà. Hy vọng bạn sẽ tìm được chút gì đó có ích cho cuộc sống và công việc của bạn từ chiếc blog này nhé. Nếu được vậy, Mạc Lan sẽ rất hạnh phúc về điều đó.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Freelancer là gì?
Có bao giờ bạn tự hỏi Freelancer là gì và Làm Freelance là làm những công việc nào? Nghề làm freelance (hay còn gọi là làm việc tự do) là bạn đang làm một công việc độc lập, như một công ty độc lập thay vì được thuê bởi những công ty khác. Những người làm freelance thường làm việc một cách tự do và được gọi là các nhà thầu độc lập. Vậy đơn giản hơn có thể hiểu, nếu bạn tự kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ, làm một số cộng việc cho các khách hàng khác nhau cùng một lúc thì bạn đã làm công việc freelance và trở thành một freelancer rồi đó!
Đặc điểm của nghề freelance
Các đặc điểm của công việc freelance là gì? Một thuật ngữ thường gặp khi làm freelancer là nhận job. Nói nôm na có thể hiểu, “nhận job” là bạn đang nhận một đầu việc từ khách hàng giao cho, có thể có hoặc không có hợp đồng rõ ràng tùy theo mối quan hệ và thỏa thuận giao dịch giữa freelancer với khách hàng. Nhưng các đặc điểm có thể kể tới của “đầu việc” freelance là:
- Kiếm tiền trên từng “job”, có nghĩa là tính tiền trên đầu việc, hạng mục, chương trình (task, project, program) mà bạn nhận được.
- Tính phí theo giờ, theo ngày hoặc theo từng đầu việc luôn. Tùy theo công việc mà bạn có thể đề xuất mức tính phí phù hợp cho khách hàng của mình. Cái này mình sẽ giải thích cụ thể hơn ở những phần tiếp theo nhé.
- Những “job” của dân freelancer thường làm trong ngắn hạn. Không giống với làm việc full-time hoặc part-time, ký hợp đồng theo năm và có mức lương cố định; các công việc freelance thường làm theo mùa vụ, đầu việc ngắn, bạn có thể tận dụng điều đó để làm nhiều công việc cùng một lần tùy vào khả năng sắp xếp thời gian và cân đối các hạng mục công việc với nhau để lựa chọn và có một thời gian biểu cho việc làm freelancer một cách phù hợp, khoa học và tạo ra doanh thu lớn nhất.
- Phần lớn công việc freelance là làm dịch vụ. Trừ một số ít công việc kinh doanh bán sản phẩm hoặc dropshipping qua bên thứ ba (các thuật ngữ này mình cũng sẽ giải thích cụ thể hơn ở những phần tiếp theo) thì phần lớn freelancer đều làm dịch vụ và bán kỹ năng, ý tưởng sáng tạo hoặc sản phẩm vô hình và dịch vụ kèm theo. Vì vậy mà công việc này cực kỳ phù hợp với những bạn làm thiết kế, marketing hay những công việc sáng tạo khác như viết lách, hội họa, âm nhạc,…
Cơ duyên đưa mình tới với nghiệp Freelance
Để nói đến cơ duyên mình chọn công việc freelance này thì cũng khá ngẫu nhiên. Mình nhớ khoảng đầu năm 2019 khi vừa từ Sài Gòn về Đà Nẵng. Lúc ấy Mạc Lan đang ở nhà chờ việc. Công việc hồi đó của mình khác hoàn toàn với những gì bây giờ mình làm, khi nào có dịp mình sẽ chia sẻ thêm với các bạn sau nhé. Sau vòng phỏng vấn, công ty hẹn mình chờ việc trong vòng ba tháng. Vì cũng cần thời gian nghỉ ngơi và thư giãn sau thời gian dài làm việc không ngừng nghỉ ở Sài Gòn, mình đồng ý và coi như đây là khoảng nghỉ “cần phải có”. Nhưng ở nhà lâu thì chán, mình lại dạo quanh facebook và tìm được một công việc viết luận bằng tiếng anh. Sự nghiệp làm freelancer của mình bắt đầu từ đó.
Trong thời gian rãnh rỗi, mình viết khá nhiều nhưng mình nhận ra rằng con chữ của mình lại ngày càng cẩu thả hơn trước. Deadline bài liên tục làm mình rối rắm, đôi khi có nhiều bài đến nỗi mình không sắp xếp được bài nào làm trước, bài nào làm sau dẫn tới trễ deadline, bài làm không đạt hoặc không được duyệt. Sau đó mình bắt đầu đi làm full-time nhưng vẫn muốn duy trì công việc viết lách, có những dạo mình viết tới sáng hôm sau đi làm lại luôn. Thực ra đối với mình công việc việc luận tiếng anh lúc đó như là một niềm vui nho nhỏ để nuôi dưỡng đam mê viết, nên bỏ mình cũng tiếc lắm. Mình duy trì được việc vừa làm full-time trên công ty, vừa viết vào buổi tối như vậy được tầm hơn 3 tháng thì không chịu nổi do xuống sức trầm trọng. Mình ngừng làm freelancer viết lách và tập trung vào công việc toàn thời gian ở công ty.
Bẵng đi một thời gian, mình nghỉ việc full-time cũng là đợt dịch COVID-19 đầu tiên đổ bộ vào Đà Nẵng. Khi ấy công việc toàn thời gian không có, bản thân lại không biết làm sao để có được thu nhập trong khi toàn thành phố Đà Nẵng đang giãn cách xã hội, việc tìm được một công việc mới là rất khó khăn. Suy nghĩ một hồi lâu, mình quyết định tiếp tục công việc viết luận tiếng anh để có thêm thu nhập, đồng thời cùng cô bạn đại học mở một cửa hành kinh doanh online nho nhỏ, kiếm thêm tiền để trang trải các chi phí.
Làm thế nào để lựa chọn công việc freelance phù hợp với bản thân?
Từ đó cho đến nay tầm một năm rưỡi, mình đã thử nhiều công việc freelance khác nhau, có lúc kết hợp với việc làm full-time, có lúc chỉ ở nhà làm một freelancer chính hiệu. Mình thử nhiều công việc khác nhau như kinh doanh online, làm dropshipper, design, viết content, cung cấp các dịch vụ digital marketing,… để tìm ra thứ phù hợp và có thể gắn bó lâu dài. Có nhiều công việc mình còn duy trì đến bây giờ, có nhiều công việc mình đã từ bỏ vì thấy không phù hợp. Trong đó, cũng có nhiều công việc mình lựa chọn không làm vì quỹ thời gian có hạn và mình muốn dành quỹ thời gian hạn hẹp đó cho những công việc phù hợp với định hướng của bản thân hơn.
Lúc bạn có một trăm công việc có thể làm, bạn sẽ phải cân nhắc và lựa chọn cái gì là tốt và đúng hướng cho riêng bản thân mà không thể sao chép công thức từ bất kỳ ai. Khi lựa chọn làm freelancer mình cũng vậy, mình luôn có những nguyên tắc riêng để bản thân không bị chìm nghỉm trong hàng đống công việc mỗi ngày.
- Lựa chọn điểm mạnh và định hướng mà bạn muốn theo đuổi. Mình ví dụ điểm mạnh của mình là khả năng viết lách và tư duy logic, mình cũng muốn phát triển theo hướng này và mục tiêu mình hướng tới là trở thành một tác giả chuyên nghiệp. Vì vậy, hầu như những công việc freelance mình làm đều liên quan đến việc viết lách, rèn dũa tiếng anh, ứng dụng khả năng phân tích, lập luận cũng như đánh giá vấn đề một cách triệt để.
- Lựa chọn những công việc thực sự mang lại giá trị cho bản thân. Như nói đến công việc liên quan tới nghề viết thì có đến hàng trăm việc khác nhau, từ rẻ đến đắt, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Với bản thân, mình quan trọng việc lựa chọn công việc vừa sức, đúng sở trường, mang lại cho mình cảm giác tận hưởng và chút gì đó gọi là “thành tựu” sẽ là những công việc mà mình hướng tới. Chính như việc viết content hay viết bài luận, mỗi lần viết một chủ đề khác nhau, phải nghiên cứu, phân tích và trình bày ý tưởng một cách khoa học nhất có thể. Đôi khi đòi hỏi sự sáng tạo và tư duy vượt khỏi vùng an toàn. Mỗi lần hoàn thành một task nào đó, mình sẽ vui sướng với khoản tiền kiếm được và một lượng kha khá kiến thức hữu ích và hay ho mà trước đó mình chưa hề biết tới.
- Tránh những công việc khiến bạn trở nên cẩu thả trong nghề. Như nhà văn Nam Cao đã từng nói “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện.” Tuy hiện tại mình đơn giản chỉ dừng lại là một người thích viết và yêu con chữ. Nhưng với tình yêu đó, mình xem việc cẩu thả trong nghề viết là điều gì đó khá khó chấp nhận. Chính vì vậy, khi bắt gặp những job freelancer kiểu “Viết bài chuẩn SEO 20K/1000 từ” hay “Content facebook, blog, website 80K/bài 1500 từ trở lên”, vân vân và mây mây, mình khá khó chịu. Phải, nó rẻ quá! Chính công việc, sản phẩm đang phản ánh giá trị của bản thân bạn. Những bài viết cẩu thả sẽ rèn cho người viết một lối văn cẩu thả, nông cạn và một tinh thần viết nhanh nhưng đồng thời cũng ít ỏi giá trị mang lại. Mình mong không chỉ nghề viết, dù bạn đang làm nghề nào, đừng nên để bản thân cẩu thả trong nghề. Ít nhất nếu không làm vì đam mê, hãy cố gắng hoàn thành nó vì trách nhiệm.
- Sắp xếp các công việc và có lộ trình thăng tiến hợp lý. Nếu bạn có một trăm công việc phù hợp, đương nhiên bạn không thể ôm đồm cả một trăm công việc đó cùng một lúc. Một ngày có hai mươi tư tiếng và tám đến mười hai tiếng là dành cho công việc. Cố gắng sắp xếp thời gian thật hợp lý, làm những công việc mang lại nhiều giá trị cho bản thân và giúp ích cho định hướng phát triển của bạn trong tương lai.
Cuối cùng, mình mong những newbie hãy tự tin lên nhé. Công việc freelance sẽ rất phù hợp với những người ham học hỏi, tích lũy kiến thức cũng như mang lại nguồn thu nhập phù hợp với nhu cầu và năng lực của mỗi người. Mình sẽ chia sẻ nhiều hơn và cụ thể hơn về những công việc mình biết và mình từng làm như là một freelancer trong những bài viết tiếp theo của series này. Một lần nữa, nếu nó giúp ích được ai đó, mình cảm ơn và rất hạnh phúc vì điều đó!