Tôi đến Gác Trịnh trong một ngày nắng nhạt
Đến Huế và một ngày nắng nhạt, tôi đã được dịp ghé qua Gác Trịnh, nơi có những tâm hồn còn thương yêu tới Trịnh Ca vô bờ bến. Nằm ở số nhà 19, phòng 203 (Tầng 2), Nguyễn Trường Tộ, TP. Huế, Gác Trịnh bắt đầu mở cửa chào đón khách quý thập phương ghé thăm từ ngày 01/04/2013 – đúng ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Căn nhà nhỏ là nơi trú ngụ của những gã lang thang mang tâm hồn thi sĩ, nơi Trịnh Công Sơn đã từng sống và sáng tác ra những tuyệt phẩm đầu tiên mang tên mình vào những năm 60 -70 của thế kỷ trước. Đây cũng từng là nơi chốn đi về của những văn nghệ sĩ có tên tuổi ở Huế như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Khánh Ly, Lữ Quỳnh,…
Thân thuộc là thế nhưng có lẽ nhiều người còn chưa biết, cái tên Gác Trịnh được lấy tứ từ câu hát “Một đêm bước chân về gác nhỏ” trong bài Trịnh ca mang tên “Chợt thấy ta là thác đổ”. Nếu là một trong những người yêu mến Trịnh Ca có cơ hội được ghé thăm Gác Trịnh một lần, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước không gian văn hóa nồng nàn chất Trịnh, từ những kỷ vật của cố nhạc sĩ cho đến những tranh ảnh lưu niệm của bạn bè và gia đình ông tặng lại đều được lưu giữ và sắp xếp cẩn thận bởi cái tâm của những người yêu nhạc ông tha thiết. Ở đây có những bức ảnh danh ca Khánh Ly gửi tặng hay lá thư tình cố nhạc sĩ viết cho Dao Ánh ngày trước.
Không gian văn hóa Trịnh có một không hai
Cũng như những con phố khác của đất cố đô, Gác Trịnh nằm ở một góc phố nhìn xuống con đường Nguyễn Trường Tộ, nơi được bao trùm bởi những hàng long não. Từ những bóng cây này ngày trước, Diễm đã bước đi trên lá cỏ và khúc tâm tình Diễm xưa được ra đời. Lan can ngày trước Trịnh ngồi nay được đặt vài bộ bàn ghế đơn sơ, khách có thể ngồi đây và ngắm nhìn cả con phố dài, cảm giác như được sống về khung cảnh Trịnh Công Sơn ngồi ngắm bóng hình của Diễm mỗi khi tan học về thuở trước.
Gian nhà giữa là nơi chứa đựng nhiều nhất những kỷ vật của cố nhạc sĩ. Một số tranh ảnh ở đây của chính Trịnh Công Sơn vẽ, số còn lại là tranh ảnh kỷ niệm bạn bè ông thân tặng. Đây là khoảng không gian chứa cái tâm đầy trìu mến mà các văn nghệ sĩ và người hâm mộ đối với Trịnh Công Sơn. Cuối gian giữa, bạn bè và người hâm mộ đã đặt một bàn tưởng niệm nhỏ, như một không gian để tưởng nhớ ông. Ở nơi đây, văn nghệ sĩ và khách quan đến với Gác Trịnh có thể thắp nến và đặt hoa để tri ân cho người nhạc sĩ đại tài của nền âm nhạc Việt Nam.
“Góc xanh của Gác Trịnh” là khu vực đặc biệt được thiết kế không gian mở hòa mình với cây cối, hoa cỏ để khách quan thả hồn với thiên nhiên. Căn gác cuối nhà là nơi tưởng niệm dành riêng cho cố nhạc sĩ. Ở đây có một khung cửa sổ nhỏ, một bộ bàn ghế ông từng ngồi để sáng tác và những kỷ vật ngày trước Trịnh Công Sơn từng sử dụng. Lá thư tình ông viết cho Dao Ánh thuở nào cùng những bút mực mà ông chăm chút nhiều năm được sắp xếp cẩn thận, tỉ mỉ. Từng lời trong bức thư ngày ấy mượt mà đến nỗi làm động lòng cô nữ sinh Huế mơ mộng ngày nào:
“Anh nhớ Ánh lắm mà ngôn ngữ thì quá chật hẹp, quá cũ kỹ không chuyên chở nổi sự nhớ nhung này. Nên anh đã nói đã nhắc mãi mỗi ngày mà vẫn chưa đỡ nhớ tí nào.”
Trong căn gác ấy, hơi thở của Trịnh Công Sơn như vẫn còn đâu đó, hay chính là trong những ca từ giản dị của nhạc ông vẫn được người quản lý mở mỗi ngày khi có khách ghé thăm. Lúc sinh thời, cố nhạc sĩ đã luôn tâm niệm rằng “cái chết chẳng qua chỉ là sự đùa cợt sau cùng của cuộc sống”. Có lẽ sự đùa cợt ấy đến với ông mà không ai mong muốn nhưng tình yêu và người nghe nhạc và những văn nghệ sỹ ngưỡng mộ ông vẫn luôn còn mãi ở nơi căn Gác nhỏ này.

Bối cảnh chính của bộ phim Em và Trịnh – những tấc phim và điều chưa kể
Bộ phim Em và Trịnh được bấm máy vào đúng dịp kỷ niệm 18 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và dự định được công chiếu vào ngày 01/04/2021 – đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm kể từ khi ông rời xa cõi tạm. Bối cảnh của bộ phim điện ảnh được lấy chính tại căn Gác Trịnh mà chúng ta vừa kể, nơi Trịnh Công Sơn lần đầu thấy và yêu bóng hình dưới mưa của cô Diễm ngày nào. Những thước phim đẹp về người nhạc sĩ tài hoa hi vọng sẽ đem lại dư vị ngọt cho những người yêu Trịnh ca muôn thuở.
“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu”
Nếu bạn là người yêu âm nhạc Trịnh Công Sơn và có dịp ghé thăm mảnh đất cố đô Huế thì căn gác nhỏ ở tầng 2 dãy nhà số 19, phòng 203 mang tên Gác Trịnh hứa hẹn sẽ mang đến những dư vị sâu lắng cho tâm hồn bạn giữa bộn bề cuộc sống.
Gác Trịnh – Một chốn đi về của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Phòng 203 (tầng 2) số nhà 19 – Nguyễn Trường Tộ – Tp. Huế