Mình viết những dòng ngày vào những ngày đầu tháng ba năm 2019. Khi ấy, Mạc Lan vừa từ Sài Gòn trở về Đà Nẵng. Khác biệt văn hóa và cách sống, cách làm việc gữa hai vùng là quá lớn. Nhất thời, bản thân chưa quen với điều đó. Thậm chí là sự xuất hiện của quá nhiều những cái vách ngăn kỳ lạ trong phòng làm việc cũng làm mình thấy phiền lòng.
Công việc của Mạc Lan dạo đó là làm Nhân viên thu mua. Mình chịu trách nhiệm mua vải vóc và nguyên phụ liệu cho một nhà máy gia công hàng may mặc lớn nhất nhì thành phố Đà Nẵng. Riêng công việc đối với mình thì không có hay dở. Chỉ có môi trường có phù hợp hay không thôi. Và thực sự mình đã sớm nhận ra môi trường này hoàn toàn không phù hợp với mình một chút nào. Tuy nó có thể là niềm mơ ước của khá nhiều người.
Rồi cũng có ngày mình ngồi lê lết trong văn phòng và viết về nó - những cái vách ngăn kì lạ trong phòng làm việc!
Mình nói nó là kì lạ bởi trong mỗi văn phòng người ta lắp quá nhiều những cái vách ngăn tạo thành những cái ô nhỏ xíu. Mỗi người có một cái ô cho riêng mình, chỉ chừng một mét vuông đổ lại. Họ sống và làm việc trong đó , tưởng như là cầm tù hầu hết phần đời ngắn ngủi.
Con người có hai mươi tư tiếng để sống mỗi ngày. Tám tiếng thông thường dành để ngủ, tám tiếng để làm việc và tám tiếng còn lại để ăn uống và nghỉ ngơi, hưởng thụ. Chưa kể với những kẻ cuồng công việc thì thời gian mỗi ngày người ta bỏ ra ở văn phòng không chỉ khoảng tám giờ đồng hồ. Nó có thể lên tới chín hay mười, thậm chí là tới mười hai giờ. Có nghĩa là một nửa thời gian mỗi ngày họ sống trong một cái ô vuông nhỏ xíu với những suy nghĩ phức tạp là: Mình nên đối xử với chiếc laptop hay smartphone của mình thế nào cho phải phép
Những cái vách ngăn kỳ lạ ấy hình như cũng đang tiêu diệt ước muốn giao tiếp mỗi ngày.
Người ta chat với nhau bằng zalo, skype… thay vì “Ới” nhau một tiếng mặc dù sống trong cùng một diện tích tầm bảy mươi mét vuông là cùng. Có những hôm, đồng nghiệp lầu trên gọi điện xuống cho mình ở lầu dưới nhờ xử lý gấp vấn đề quan trọng phát sinh với nhà máy. Mạc Lan chợt nghĩ, nếu đó là vấn đề thực sự quan trọng, người ta ngại cả mấy bước chân sao? Có lẽ không phải, vì người ta quen vậy rồi. Quen phụ thuộc vào những phương tiện liên lạc từ xa. Quen gọi điện thay vì trực tiếp gặp mặt. Quen chat qua lại thay vì gọi nhau một tiếng. Có thể những thay đổi nhỏ thôi, câu chuyện có thể sẽ rẽ sang một hướng khác: Nhanh, gọn và thân tình hơn!
Mình hoảng sợ khi nghĩ rằng, có một ngày mình cũng sẽ như họ, ngại cả những cái vách ngăn. Công việc nhiều áp lực, văn phòng đông người qua lại. Rồi nhà máy, nhà cung cấp, các sếp, đồng nghiệp,… Hàng chục thậm chí là hàng trăm mối quan hệ thông qua màn hình máy tính, những chiếc email và các ứng dụng trò chuyện nhóm khác. Mỗi người đều phấn đấu vì những mục tiêu riêng: Thăng chức, tăng lương, được công nhận và trở thành người lãnh đạo chẳng hạn. Nhưng lạ thay, mình lại chẳng tìm thấy động lực để cố gắng ở đây. Đồng nghiệp chỉ là mối quan hệ dừng ở mức độ công việc, công việc và công việc. Nhưng bạn biết đấy, có ai chỉ sống và làm việc cho đến lúc chết đâu. Người ta cũng có những nhu cầu chăm sóc và an ủi về mặt tinh thần, cần truyền cảm hứng và giữ lửa nhiệt huyết để tiếp tục cống hiến và tạo nên giá trị.
Vậy là Mạc Lan đã nghĩ: “Môi trường công nghiệp này làm mình chết đi nhiều cảm xúc quá”. Có lẽ đến một ngày nào đó, mình cũng sẽ giống như họ, ngại cả những cái vách ngăn.
Hoặc thay đổi bây giờ, hoặc là sống mòn trong cái ô vuông của những vách ngăn kỳ lạ đến hết đời!