Chào các bạn, đây là Blog Chuyện của Lan và mình là Mạc Lan – Digital Marketing Specialist & Content Creator.
Những năm gần đây, việc sử dụng Landing Page trong các chiến dịch Digital Marketing ngày càng phổ biến. Khi hành trình mua hàng ngày càng phức tạp và người dùng tìm kiếm một nội dung điều hướng có sức hút hơn, Landing Page là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ Digital Marketers thành công trong việc thuyết phục người dùng thực hiện các chuyển đổi.
Nội dung bài viết
1. Landing Page là gì?
Landing Page được biết tới như là một trang mục tiêu, trang đích. Đó là một trang web độc lập có giao diện, nội dung, tên miền giống như một web page bình thường. Tuy nhiên, landing page thường chỉ tập trung vào một nội dung cụ thể tùy theo yêu cầu của chiến dịch marketing mà doanh nghiệp đang hướng tới.
Chính vì vậy, nội dung trên landing page thường được tối giản hóa hơn so với các trang website thông thường, không chứa các nội dung điều hướng như menu, thanh công cụ, footer, slider,… và tập trung vào việc kêu gọi hành động. Cụ thể hơn, landing page dùng để “hứng traffic” từ các hoạt động marketing ở phễu trên (Top Funnels), cung cấp thông tin, kêu gọi hành động, thúc đẩy chuyển đổi của khách hàng và đo lường các chuyển đổi ở phễu dưới (Bottom Funnels) trong một chiến dịch Digital Marketing tổng thể.

Ví dụ, doanh nghiệp A đang thực hiện một chiến dịch ra mắt dòng sản phẩm ô tô mới trong vòng 03 tháng tới. Trong kế hoạch marketing của mình, doanh nghiệp cần tạo một landing page (trang đích) nhận traffic từ các hoạt động marketing và quảng cáo khác. Khi người dùng nhìn thấy quảng cáo google, social media, các bài blogs hoặc emails,… từ doanh nghiệp, khách hàng click vào nội dung hiển thị và được dẫn đến trang mục tiêu để tìm hiểu thêm về dòng sản phẩm ô tô mới. Sau khi tìm hiểu thông tin trên trang này, khách hàng thấy hứng thú vào muốn để lại thông tin để được chuyên viên kinh doanh tư vấn trực tiếp. Trong trường hợp này, landing page là một Lead Page đã hoàn thành nhiệm vụ “hứng traffic”, biến người dùng thành một Lead của doanh nghiệp, góp phần tạo Lead Generation theo đúng mục tiêu của chiến dịch Digital Marketing đưa ra.
Để hiểu Lead Page và Lead Generation là gì, nội dung bên dưới sẽ giúp ích cho bạn.
2. Các hình thức chuyển đổi trên Landing Page
Có nhiều cách phân loại Landing Page nhưng phổ biến nhất vẫn là phân tách chúng dựa vào các hình thức chuyển đổi trên trang.
2.1. LEAD PAGE - Landing Page tạo Lead Generation
Đây là loại landing page thu thập thông tin khách hàng, tạo Lead Generation (Danh sách khách hàng tiềm năng) cho doanh nghiệp và sử dụng thông tin đó trong các chiến dịch Sale & Remarketing (Tiếp thị lại) của doanh nghiệp. Chính vì chức năng đó, Lead Page thường bao gồm các thông tin đánh vào nhu cầu và tâm lý khách hàng, khuyến khích khách hàng để lại thông tin cá nhân để nhận được các chương trình khuyến mãi, dùng thử hay tài liệu hữu ích. Phần nội dung khuyến khích khách hàng tiềm năng thực hiện hành động xem, nghe, đăng ký, tải xuống,… được gọi là Lead Magnet.
Trong ví dụ trên, công ty A đang tạo Lead Page để thu hút khách hàng tiềm năng để lại thông tin cá nhân (Họ tên, Số điện thoại, Email,…). Một vài ví dụ về Lead Magnet mà doanh nghiệp A có thể dùng trong trường hợp này là:
- Đăng ký tham gia chương trình lái thử dòng xe mới.
- Download Catalog sản phẩm mới để tìm hiểu thêm về dòng sản phẩm ưu việt lần đầu tiên được ra mắt tại Việt Nam.
- Để lại thông tin để có cơ hội trở thành 1 trong 30 khách hàng may mắn sở hữu Voucher Ưu đãi 10% áp dụng riêng khi mua dòng xe mới của chúng tôi.
- …
Trên một Lead Page cần có Lead Form (Mẫu điền thông tin) & CTA “Call-to-Action” Button để thu thập thông tin khách hàng. Cụ thể một CTA như thế nào sẽ được giải thích bên dưới.

2.2. SALE PAGE - Trang bán hàng
Như tên gọi, Sale Page chính là trang thực hiện chức năng bán hàng, đưa ra thông tin chi tiết về sản phẩm, dịch vụ kích thích nhu cầu đặt mua trực tiếp của khách hàng trên trang. Chính vì mục tiêu nay, sale page thường bao gồm các thông tin giới thiệu chi tiết về sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp đang quảng cáo bao gồm: thông tin kỹ thuật, lợi ích, giá bán, chính sách khuyến mãi (nếu có) để khách hàng có thể nắm rõ và đặt mua. Thông tin đưa ra phải rõ ràng, đầy đủ, thuyết phục để người mua tin tưởng và lựa chọn sản phẩm.
Đặc trưng của một Sale Page là CTA (Call-to-action) tạm dịch là “Lời kêu gọi hành động”. CTA trên Sale Page phải thực sự thu hút, thúc đẩy hành động của khách hàng bằng các click chuột để đặt mua sản phẩm, dịch vụ.

Vậy câu hỏi được đặt ra là: “Thực chất cả Lead Page và Sale Page đều có CTA phải không? Câu trả lời là “Đúng” nhưng CTA dùng cho hai loại Landing Page này khác nhau.
- CTA ở Lead Page là các lời kêu gọi khách hàng điền form và cung cấp thông tin cá nhân đi kèm với CTA Button như ĐĂNG KÝ NGAY, ĐẶT CHỖ NGAY, NHẬN NGAY, DOWNLOAD NGAY, TÌM HIỂU THÊM, NHẬN THÔNG TIN,… Tại thời điểm click vào các nút này, đơn hàng của khách hàng chưa phát sinh.
- Trong khi đó, CTA ở Sale Page là các lời kêu gọi hành động mua hàng đi kèm với nút MUA NGAY, ĐẶT NGAY. Tại thời điểm click vào CTA Button và hoàn thành hành vi mua hàng, đơn hàng đã phát sinh và yêu cầu thanh toán (on-line hoặc off-line tùy theo chính sách bán hàng của doanh nghiệp).
3. Cấu trúc của một Landing Page
Như đã chia sẻ ở trên, Landing Page khác với Website ở chỗ đây là phiên bản tinh gọn hơn của website và chỉ chứa những thông tin rút gọn nhưng đầy đủ về một (hoặc một vài) sản phẩm hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp đang tập trung cho một chiến dịch truyền thông nhất định.
Ví dụ, doanh nghiệp A đang muốn ra mắt sản phẩm dòng xe ô tô mới thì landing page của chiến dịch này chỉ nên tập trung các thông tin về dòng xe sắp ra mắt thôi, không nên lan man và nhồi nhét quá nhiều dòng xe khác trên landing page này khiến cho khách hàng không thể tập trung vào sản phẩm họ có ý định mua khi được các quảng cáo “dẫn dắt” vào page

- Website: Cấu trúc website bao gồm đầy đủ các thanh hiển thị, công cụ, liên kết trang, footer hay slider, banners trượt, các trang con và nội dung chi tiết trang con.
- Landing page: Rút gọn thông tin, loại bỏ các thanh hiển thị, thanh công cụ và liên kết trang không cần thiết. Landing page tập trung các nội dung tinh gọn nhất về sản phẩm (dịch vụ) cần quảng bá (visual content) và đặc trưng của Lead Generation Form & Button hoặc Sale CTA.
Có nhiều mô típ landing page khác nhau, tuy nhiên một landing page thường bao gồm các nội dung cơ bản bên dưới:

HEADLINE - Một tiêu đề thực sự ấn tượng
Headline là tiêu đề của trang, chứa các nội dung chủ đề, từ khóa của toàn bộ trang web. Headline chính là điều đầu tiên và quan trọng nhất để landing page của bạn gây ấn tượng với người xem ngay từ những giây đầu tiên khi trang được duyệt.
Thông thường, headline luôn được bố cục ở giữa và được dùng mọi cách để thu hút người xem như in đậm, viết hoa, thêm màu sắc, cách điệu để làm nổi bật so với các nội dung còn lại của trang. Mặt khác, headline phải rõ ràng, súc tích và truyền đạt được thông điệp thu hút người dùng xem trang.
IMAGES & VIDEOS - Visual cụ thể của sản phẩm, dịch vụ
Các hình ảnh, video ấn tượng về sản phẩm (dịch vụ) của doanh nghiệp được cung cấp tại đây để gây ấn tượng với người xem về phần nhìn (mặt hiển thị). Khi xây dựng visual của sản phẩm, digital marketer cần hiểu đối tượng khách hàng mà mình đang nhắm tới để có một visual chỉnh chu và thu hút đối tượng khách hàng mục tiêu một cách tích cực.
DESCRIPTION - Mô tả nổi bật về sản phẩm, dịch vụ
Phần mô tả trên landing page cần tối giản nhất có thể, tập trung vào việc nêu bật các lợi ích mà khách hàng có thể nhận được khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ.
Đặc biệt phần mô tả cần đảm bảo chính xác về ngữ pháp ở vai trò là một nhà bán lẻ trực tuyến đang yêu cầu khách hàng truy cập mua và cung cấp các thông tin cá nhân cũng như phương thức thanh toán. Thật là tội tệ nếu các nội dung trên trang sai lỗi chính tả hay cẩu thả về ngữ pháp. Điều này sẽ làm suy giảm lòng tin của khách hàng về mức độ chuyên nghiệp của đội ngũ và chất lượng của sản phẩm dịch vụ.
Nên dùng bullet list để phân đoạn nội dung mô tả giúp phân đoạn thông tin ngắn gọn và thu hút người đọc hơn.
CTA (Call-to-action) phải thực sự thu hút - Nội dung mang tính thuyết phục khách hàng phải hành động
- Đối với Lead Page, CTA thường đi kèm với Lead Form (dưới dạng form gắn trực tiếp trên page hoặc được hiển thị dưới dạng pop-up) để thu thập thông tin khách hàng tiềm năng. Sau Lead Form sẽ kết bằng CTA Button – Nút để khách hàng click hoàn tất hành động sau khi điền thông tin.
- Đối với Sale Page, CTA Button sẽ là “Nút kêu gọi hành động” nhằm chốt sale, thúc đẩy khách hàng click vào quy trình mua hàng & xác nhận thanh toán.
Vậy, có một câu hỏi được đặt ra là: “CTA và CTA Button khác nhau như thế nào?”
Một vài ví dụ về CTA có thể là:
- Trải nghiệm 7 ngày dùng thử Free chỉ với một click
- Try The World’s No.1 Marketing Free! (CTA của SEMrush)
CTA Button đơn giản là các nút để khách hàng click vào và hoàn tất hành động như ĐẶT HÀNG, MUA NGAY, ĐĂNG KÝ,…
Có thể hiểu đơn giản CTA là câu thu hút, lôi kéo, “dụ dỗ” khách hàng điền Lead Form hoặc quyết định mua hàng còn CTA Button là nút bấm để khách hàng click vào và hoàn tất ý định của mình!
Một số thông tin bổ sung khác
- Lời chứng thực (review) từ anh A, B, C – những khách hàng trước đây đã từng sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Họ nói gì về sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp (đương nhiên hầu như sẽ đưa các feedback tích cực hoặc các feedback dạng 50/50 vào đây để tăng độ tin tưởng)
- Thông tin bổ sung về sản phẩm, dịch vụ mà khách hàng có thể quan tâm
- Thông tin bổ sung về doanh nghiệp để tạo độ tin cậy với khách hàng: Sản phẩm đến từ thương hiệu A, B, C với nhiều kinh nghiệm, thành tựu trong lĩnh vực,…
- Câu chốt landing page và có thể nhắc lại CTA Button một lần nữa để thu hút lại khách hàng nếu có bỏ lỡ nút hành động ở trên.
Và cuối cùng, sau khi khách hàng điền xong Landing Page, đừng quên tạo Thank You Page (Trang cảm ơn) để hoàn tất mọi hoạt động bằng một lời cảm ơn và thông báo cho khách hàng rằng câu trả lời hay đơn hàng của họ đã được ghi nhận. Một số doanh nghiệp có thể đơn giản hóa Thank You Page bằng một dòng thông báo kết quả đã được ghi nhận và cảm ơn người dùng đã hoàn thành hành động trên Landing Page.
4. Bí kíp tối ưu hóa Landing Page hiệu quả
Sau khi tìm hiểu đại khái cấu trúc của một landing page cơ bản, qua kinh nghiệm đúc kết trong quá trình làm việc, mình xin phép đưa ra một số “bí kíp”, công cụ hỗ trợ việc tối ưu hóa landing page một cách hiệu quả.
4.1. Các công cụ hỗ trợ tạo landing page thu hút
Trong quá trình làm việc ở vị trí Digital Marketing Specialist trong một số doanh nghiệp, mình may mắn được tiếp xúc với kha khá các công cụ hỗ trợ tạo landing page từ nhiều nhà cung cấp khác nhau. Đương nhiên, mỗi loại công cụ sẽ có một ưu nhược điểm, tuy nhiên không thể phủ nhận chức năng chính của nó là giúp các marketers tạo ra được một landing page đẹp, thu hút hơn, đem lại hiệu quả hơn cho chiến dịch marketing của mình.
List bên dưới là những công cụ hỗ trợ tạo landing page mà bản thân mình đã từng dùng, trải nghiệm và đưa ra một vài nhận xét cá nhân về mức độ tiện dụng của nó.
Tạo landing page trên chính website
- Ưu điểm: Chi phí thấp hoặc không phát sinh chi phí, giao diện thân thuộc với người dùng website.
- Nhược điểm: Hạn chế các tính năng, tạo landing page cơ bản và không thể tùy chỉnh được nhiều nếu không có sự hỗ trợ của một vài plugin hoặc bộ template khác.
Thực ra digital marketers hoàn toàn có thể tạo landing page trên chính website của mình bằng cách thêm một trang thông thường và tùy chỉnh nó theo nội dung mong muốn, sau đó publish và sử dụng như một landing page bán hàng. Landing page này sẽ có cùng tên miền với website của doanh nghiệp và bản chất là một trang con của website, khả năng tùy chỉnh cũng hạn chế hơn nhiều so với việc sử dụng các công cụ chuyên dùng để tạo landing page.
Sử dụng Google Site để tạo Landing Page
- Ưu điểm: Là một sản phẩm của Google nên mức độ ưu tiên về SEO và thứ tự tìm kiếm sẽ tốt hơn so với các công cụ khác. Không cần mua giao diện website và hosting.
- Nhược điểm: Tùy chỉnh hạn chế, không hỗ trợ được nhiều tính năng trong quá trình sử dụng. Tên miền miễn phí luôn gắn với url “site.google”, muốn tùy chỉnh tên miền cần phát sinh chi phí mua và gắn tên miền khác vào nền tảng này.
Ngoài WordPress thì mình đánh giá Google Site là nền tảng dễ sử dụng thứ hai tuy mức độ tùy chỉnh còn hạn chế. Đây là công cụ tuyệt vời cho các bạn có hiểu biết hạn chế về website nhưng vẫn muốn tự mình xây dựng một trang web cơ bản, blog hay một landing page bán hàng cho bản thân hoặc doanh nghiệp. Để sử dụng Google Site cơ bản, video bên dưới sẽ cung cấp cho bạn những guideline cần thiết.
WordPress – Công cụ tuyệt vời để xây dựng Landing Page, phổ biến số một tại Việt Nam hiện nay
- Ưu điểm: Phổ biến, tiện dụng, dễ tùy chỉnh và có nhiều template (cả miễn phí và trả phí) siêu đẹp để có thể tạo một landing page thu hút và vô vàn phương án tùy chỉnh theo ý thích của người dùng.
- Nhược điểm: Phải mua cả hosting và tên miền + ssl và không phải ai cũng có thể sử dụng WordPress. Nền tảng này yêu cầu người dùng cần có những hiểu biết cơ bản về thiết kế và xây dựng website hay landing page và tìm hiểu về cách sử dụng, tùy chỉnh để có một landing page (hoặc website) chuẩn chỉn và thu hút. Thực ra, WordPress cũng cung cấp gói free nhưng rất hạn chế tính năng và tương tự như Google Site, người dùng không thể thay đổi tên miền theo ý muốn của mình mà phải gắn tên miền với “wordpress.com” trên mọi trang free được sử dụng.
Như đã nói ở trên, đây là công cụ tuyệt vời để hỗ trợ marketers tạo một landing page siêu xịn, chuyên nghiệp và có kết cấu chỉnh chu nhất, có thể tùy chỉnh hợp ý người dùng nhất có thể. Hiện nay, WordPress ngày càng phổ biến ở Việt Nam và đang dần trở thành nền tảng tạo lập website và landing page số một được đông đảo người dùng Việt Nam lựa chọn.
Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu, mình khuyên các bạn nên sở hữu một trang WordPress miễn phí để bắt đầu sự nghiệp khám phá website và landing page, trên con đường vươn tới một chân trời mới.

LaDiPage – Nền tảng Landing Page cho hoạt động marketing và quảng cáo
- Ưu điểm: Cũng phổ biến không kém WordPress, LaDiPage nổi tiếng trong giới digital marketing với các tính năng tạo Landing Page ưu việt của mình đáp ứng mọi chiến dịch marketing và quảng cáo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Landing Page thể hiện mức độ vượt trội của mình trong việc cung cấp các gói dịch vụ tạo landing page chuyên nghiệp (thay vì tạo cả website như các nền tảng khác) với mức giá khác nhau phù hợp với từng yêu cầu của doanh nghiệp. Hệ thống template đa dạng, tùy chỉnh linh hoạt và đặc biệt có những tính năng riêng để liên kết với Google Analytics & Google Ads trong việc tracking conversion trên trang một cách dễ dàng. Ưu điểm cuối cùng của nền tảng này là đội ngũ hỗ trợ viên cực kì nhiệt tình và hệ thống guideline rõ ràng sẽ giúp đỡ marketers rất nhiều trong quá trình xây dựng trang.
- Nhược điểm: Đương nhiên vẫn là phần chi phí! LaDiPage cung cấp các trang free gắn domain của mình “ladipage.com” và hạn chế lượt truy cập trang (dưới 1000 lượt) và yêu cầu nâng cấp lên các gói Premium để sử dụng các tính năng khác.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp có nhiều chiến dịch marketing và cần nhiều landing page thì gói Business của LaDiPage sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với việc sử dụng các nền tảng khác để xây dựng từng website và landing page riêng biệt.

GemPages & ShoGun – Tiện ích dùng cho Shopify hỗ trợ việc tạo Landing Page E-comerce dễ dàng hơn.
Đối với nhiều bạn làm trong các ngành E-comerce thì chắc không còn lạ lẫm gì với Shopify – nền tảng thương mại điện tử cho phép bạn tạo website bán hàng online dựa trên mô hình Cloud SaaS. Tại đây, bạn có thể tạo cho mình một website bán hàng online với tất cả những tính năng như đăng sản phẩm, giỏ hàng, thanh toán, quản lý hàng hóa hay kết nối mạng xã hội…
Để tạo landing page trên Shopify cho các chiến dịch bán hàng riêng biệt, các tiện ích Shopify Page Builder sẽ hỗ trợ người bán hàng thực hiện công việc này một cách nhẹ nhàng hơn nhiều, trong đó các tiện ích nổi bật là GemPages và ShoGun.
Là một người đã trải nghiệm qua cả GemPages và ShoGun, mình đánh giá cao ShoGun hơn một chút vì giao diện thân thiện với người dùng và tích hợp được nhiều tính năng hơn. Các hoạt động SEO trên trang ShoGun cũng được hoàn thiện hơn nhiều.
Tuy nhiên đây đều là các tiện ích có phí (sau khoảng thời gian 7 ngày miễn phí dùng thử), marketers cần cân nhắc và lựa chọn tiện ích phù hợp với ngân sách và nhu cầu của doanh nghiệp.
Bạn có thể tham khảo thêm về GemPages và Shogun tại đây!

Ngoài ra, một số công cụ khác có thể nhắc đến như Wix.com, BlogSpot, Weebly,.. Tuy nhiên, bản thân mình chưa có cơ hội thử trải nghiệm các nên tảng này nên xin phép không đưa ra các ý kiến cá nhân ạ. Các bạn có thể tìm hiểu thêm tại link để có một vài thông tin chi tiết hơn.
4.2. A/B Split Testing – Bước cần thiết để có một Landing Page hoàn chỉnh.
Bằng những kiến thức và công cụ được cung cấp ở trên, các bạn hoàn toàn có thể tự tin để tạo cho mình một landing page hiệu quả cho chiến dịch marketing đang thực hiện. Tuy nhiên, làm sao để biết Landing Page mình tạo ra đã tối ưu hay chưa? Đây là mẹo hay mà bạn có thể áp dụng.
Sau khi áp dụng các “tuyệt kĩ” bên trên để tạo ra một landing page thực sự thu hút (theo suy nghĩ của bạn), thay vì tạo một và chỉ một phương án duy nhất, hãy tạo ra hai landing page khác nhau với layout khác nhau nhưng vẫn đảm bảo được 11 yếu tố Landing Page Best Practices (tạm dịch: Các phương pháp hay để tạo trang đích).
Từ hai landing page được tạo ra, hãy áp dụng phương án A/B split testing (tạm dịch: Thử nghiệm phân tách A/B) để đánh giá và chọn được phương án Landing Page đem lại hiệu quả tốt hơn và thu hút người dùng hơn, từ đó bạn sẽ rút ra được “chân lý” thế nào là một trang đích thu hút nhóm đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp, công ty đang hướng tới.

Quy trình testing bao gồm:
- Bước 1: Xây dựng hai phương án landing page A và B như trên
- Bước 2: Đẩy traffic (lưu lượng người dùng) vào landing page A và landing page B là như nhau
- Bước 3: Theo dõi và đánh giá chỉ số của hai trang (trong khoảng thời gian testing tùy theo quy mô và độ dài chiến dịch nhưng thời gian testing thường không dưới 07 ngày)
- Bước 4: Lựa chọn phương án landing page tốt hơn, duy trì trang này và tối ưu trang theo những tín hiệu cập nhật từ phản ứng của khách hàng mục tiêu.
Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là: “Trong hai phương án A và B, làm sao để đánh giá được phương án nào tốt hơn? Các chỉ số nào thể hiện điều đó?”
4.3. Cách đánh giá hiệu quả của một Landing Page.
Không khác gì một website thông thường, để đánh giá “sức khỏe” của một landing page, chúng ta cũng có hẳn một bộ chỉ số để xem xét xem landing page này đã tốt hay chưa, có điểm nào cần cải thiện để thu hút người dùng hơn hay không. Các chỉ số đáng để lưu tâm bao gồm:
- CR (Conversion Rate = Tỷ lệ chuyển đổi): Vì sao nói đây là chỉ số quan trọng nhất trên một landing page? Đơn giản xuất phát từ chức năng của trang đích là để thúc đẩy hành động và chuyển đổi của khách hàng nên CR được xem là yếu tố tiên quyết khi đánh giá một landing page. Traffic tốt, Bounce Rate thấp, Time on Page xịn nhưng CR tệ thì marketers cũng cần xem xét lại mức độ phù hợp của trang đích đó. Để đánh giá mức độ phù hợp của 2 trang đích trong phương án A/B split testing ở trên, hãy nhìn vào CR của từng trang để xem mức độ chuyển đổi ở đâu tốt hơn, đó chính là trang đích bạn đang cần. Sau đó hãy bóc tách xem lý do gì khiến trang đích đó thực sự thu hút người xem và có khả năng tạo nên chuyển đổi cao hơn trang còn lại.
- Ngoài CR, các yếu tố có thể dùng để đánh giá mức độ thu hút của Landing Page là Organic Traffic (Landing page đã SEO tốt hay chưa? Đừng đánh giá dựa vào Paid Search Traffic vì đó là lưu lượng người dùng bạn bỏ tiền ra để chạy quảng cáo và dẫn họ vào trang), Bounce Rate (Mức độ thoát trang là bao nhiêu?), Time On Page hay còn gọi là Page Duration (Thời lượng người dùng ở lại trên trang là bao nhiêu?), Page/Session (Số trang/phiên là thống kê trung bình mỗi phiên xem bao nhiêu trang), người dung xem gì trên trang, từ khóa nào dẫn người dùng vào trang,… và rất nhiều những thông số khác nữa.

Vậy những thông tin này bạn lấy từ đâu? Google Analytics, Google Search Console hoặc các insight của nền tảng quảng cáo có trả phí có thể hỗ trợ đắc lực cho bạn trong việc thu thấp thông tin. Ngoài ra, tất cả các công cụ hỗ trợ tạo landing page – tự bản thân nó đều đã có tích hợp một số thông số đo lường trên trang có thể giúp ích digital marketers trong quá trình đánh giá landing page một cách hiệu quả.
Hi vọng qua bài viết này, các bạn đã tự tin tạo cho mình một landing page xịn sò, chuyên nghiệp khiến các sếp phải mắt tròn mắt dẹt. Và quan trọng hơn hết, bạn có thể đánh giá sản phẩm mình tạo ra và tối ưu hóa nó trong suốt chiến dịch Digital Marketing của mình.
Chúc các bạn thành công!