Chào mọi người!
Lại là Mạc Lan và Blog Chuyện của Lan đây. Hôm nay mình sẽ chia sẻ một chủ đề khá rộng trong Digital Marketing – PPC và Google Ads. Cụ thể hơn thì nó là Quảng cáo trả tiền trên từng “lượt nhấp chuột” của khách hàng (Pay Per Click) và Quảng cáo trên nền tảng Google (Google Ads). Chủ đề này sẽ hữu ích đối với các bạn newbie đang tìm kiếm các thông tin cơ bản về Digital Marketing, PPC nói chung và Google Ads nói riêng.
Lưu ý rằng, đây là bài viết chia sẻ góc nhìn và kinh nghiệm cá nhân của mình, có giá trị tham khảo và đem lại nguồn thông tin “khuyến nghị”. Nó sẽ có những bài học trong buổi đầu theo nghiệp “ads dạo” cho các bạn mới tập tành trong việc chạy quảng cáo trả tiền trên tất cả các nền tảng, đặc biệt là Google.
“Giỏ hàng” hôm nay của mình sẽ có gì? Một bài viết chia sẻ kiến thức với hệ thống đề mục rõ ràng? – Không! Những định nghĩa hàn lâm về PPC và Google Ads? – Không!
Không nha! Blog này có những khái niệm đơn giản, kiến thức và câu chuyện vụn vặt mình đúc rút được trong quá trình làm Digital Marketing & quảng cáo trên các nền tảng online nói chung nhé bạn ^^. Ở đâu đó khi bắt đầu với nghiệp “chạy ads dạo”, có thể bạn cũng sẽ bắt gặp những rắc rối như mình đã từng. Lúc đó, mong bạn đừng quá bỡ ngỡ và hãy tự tin về những gì mình đã học hỏi được nhé!
NỘI DUNG RÚT GỌN
1. Hãy bắt đầu bằng định nghĩa của PPC và Google Ads
PPC là gì? PPC là viết tắt của từ Pay Per Click, được hiểu là Quảng cáo trả phí trên mỗi lần nhấp chuột của khách hàng (tham khảo định nghĩa của Vietnix). Về cơ bản là thế, tuy nhiên có cả tấn vấn đề rộng lớn bên cạnh khái niệm này. Tổng quan PPC bạn sẽ cần quan tâm những vấn đề cơ bản sau.

- Quy mô tiếp thị: Trên toàn bộ hệ thống mạng Internet. Chỗ nào có users (người dùng), chỗ nào có thanh tìm kiếm hay banners quảng cáo, chỗ nào người dùng có thể bấm vào để sang một trang mới theo chủ ý của nhà quảng cáo, chỗ đó chính là PPC.
- Vậy chỗ nào có thanh tìm kiếm hay banner điều hướng? Google? Đúng, nhưng chưa đủ. Ngoài Google là mạng tìm kiếm lớn nhất hiện nay, chúng ta có thể kể đến Bing, Yahoo,… và các trang mạng xã hội khác như Facebook, Twitter, LinkedIn, Instagram, Zalo, Tiktok,… đều có thể chạy PPC. Đặc biệt, dạo gần đây, quảng cáo trên Tiktok đang phát triển một cách rầm rộ, đánh dấu kỷ nguyên số mới đang dần hiện diện yêu cầu người làm Marketing phải nắm bắt quy tắc hoạt động và chạy quảng cáo của sàn để có những chiến dịch PPC thực sự hiệu quả.
- Cần hiểu thêm về SERP trước khi chạy quảng cáo PPC. SERP hay còn gọi là trang kết quả tìm kiếm (Search Engine Result Page) nơi mà top 1, top 2 được tranh giành kịch liệt bởi các nhà quảng cáo để sở hữu vị trí tốt cho mẫu quảng cáo của mình và thu hút người dùng ngay từ lượt tìm kiếm đầu tiên.
- Giá thầu (Bid) là gì? Trong quảng cáo PPC, đặc biệt là Google Ads, Bid (hay còn gọi là giá thầu) là cực kỳ quan trọng. Set-up được giá thầu đúng, có thể nói bạn đã bước một chân tới sự thành công của chiến dịch. Có nhiều cách set Bid khác nhau cho mỗi nền tảng nhưng hai khái niệm bidding cơ bản sơ khai mà bạn biết là CPC (Cost-Per-Click: Chi phí trên mỗi lượt nhấp chuột) và CPA (Cost-Per-Action: Chi phí trên mỗi lượt “hành động”). Ngoài ra, việc đấu thầu có thể dựa trên nhiều chỉ số khác nhau, cần tìm hiểu và “thông tuệ” trước khi bạn bắt đầu một chiến dịch quảng cáo PPC.
Ngoài khái niệm và thuật ngữ ngành PPC, bạn cần biết gì nữa? Chắc chắn đầu tiên phải là Google Ads (quảng cáo Google). Định nghĩa được chính anh cả Google cung cấp đưa ra thông tin rằng, Google Ads là chương trình quảng cáo trực tuyến của Google. Thông qua Google Ads, bạn có thể tạo quảng cáo trực tuyến để tiếp cận chính xác những người quan tâm đến các sản phẩm và dịch vụ mà bạn cung cấp. Rườm rà là thế, nhưng đơn giản mà hiểu rằng, Google Ads là những quảng cáo được cài đặt, chạy trên nền tảng Google (bao gồm mạng tìm kiếm, hiển thị của Google và các mạng đối tác khác). Người ta (hay còn được gọi một cách hoa mỹ hơn là các “nhà quảng cáo”) sử dụng Google Ads để quảng bá doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ, nâng cao mức độ nhận biết thương hiệu và tăng lưu lượng truy cập website cần quảng bá.

Vậy cụ thể, bạn cần biết gì về Google Ads trước khi “sờ” đến nó? Cốt lõi làm nên sự thành công của các chiến dịch trên một nền tảng bắt đầu bằng việc hiểu nền tảng đó vận hành như thế nào. Ban đầu bước vào chạy quảng cáo Google khi còn là một tay mơ từ Facebook sang, mình đơn giản nghĩ nền tảng nào cũng sẽ có một cách vận hành giống nhau. Nhưng càng chạy thì mình càng thấy rõ ràng hơn những ưu việt của Google mà không nền tảng quảng cáo nào có được. Đó là bộ máy tìm kiếm được cải tiến không ngừng nghỉ, đó là công cụ đề xuất quảng cáo tuyệt vời dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng. Nếu các nền tảng mạng xã hội đem quảng cáo của bạn hiển thị đến từng khách hàng tiềm năng thì Google mang mẫu quảng cáo và cả sản phẩm, dịch vụ, website của bạn đập vào mắt của người tiêu dùng đang cần đến nó, đang “lùng sục” nó. Và chốt hạ, đó là những nhu cầu thực sự đang HIỆN HỮU.
2. Tại sao lại là Google Ads?
Có một lần, trong một cuộc phỏng vấn 1-1 với giám đốc Marketing của một công ty bất động sản mà mình không chủ đích ứng tuyển, một câu hỏi khiến mình lưu tâm mãi về sau.
Ảnh hỏi: “Nếu đầu tư chạy Google một cách xịn sò thì sẽ là kênh có hiệu quả nhất, theo em nghĩ là vì sao?”. Mình đắn đo mãi giữa vài lý do như Google có mạng lưới users rộng lớn, Google có công cụ quản lý chuyên nghiệp, Google có hệ thống đánh giá thông số chuẩn chỉnh, vân vân và mây mây. Những tuyệt nhiên mình không chọn được lý do nào là “nhất” giữa những lý do ấy để thuyết phục nhà tuyển dụng và thuyết phục chính mình. Đúng vậy, “tại sao lại là Google Ads” và “tại sao chỉ có thể là Google Ads” nhỉ?
Đơn giản, ảnh nói, vì Google có bộ máy tìm kiếm hoàn thiện nhất! Con chíp ấy của Google đã qua hàng nghìn công cuộc đổi mới, học tập, phản hồi rồi lại đổi mới để hiểu được mọi “nhất cử nhất động” của users có ý nghĩa gì. Chính vì vậy mà quảng cáo Google đề xuất đúng cái nên đề xuất cho từng người dùng. Ngắn gọn hơn, vì con chip (con AI) của Google qua hàng nghìn cuộc khảo nghiệm đã được nâng cấp nhiều lần, thông minh vô đối, chấp những nền tảng non trẻ mới hình thành và đang học hỏi, mò mẫm từng ngày.
Đương nhiên, cũng sẽ có khi có một nền tảng nào đó, một con chip nào đó (đơn cử như sự xuất hiện của Chat GPT thời gian gần đây) có thể đánh bại được Google trong tương lai. Nhưng tạm thời, đó là điều chưa thể xảy ra ở thì hiện tại.
12 lợi ích của Quảng cáo Google sẽ được trình bày tiếp theo trong nội dung chia sẻ về loại quảng cáo này. Tuy nhiên, có thể kể đến Google là kênh PPC “tay to” nhất và mang lại giá trị lớn cho nhà quảng cáo, doanh nghiệp và nhãn hàng. Vì sao?

- Google Ads mang lại chỉ số ROI và RoAS cao vượt trội hơn các kênh PPC khác (đơn cử là Facebook, Tiktok hay Zalo – những kênh PPC phổ biến ở thị trường Việt Nam hiện nay).
- Tính “Control & Management” cao: Google Ads có hệ thống lên chiến dịch quảng cáo bài bản, kiểm tra chỉ số, kết quả rõ ràng, chi tiết. Mỗi chỉ số được đánh giá hết sức chi tiết qua đó giúp nhà quảng cáo có thể xem xét chiến dịch của mình một cách toàn diện, hỗ trợ việc cải thiện kết quả quảng cáo tốt hơn. Không giống như Facebook, kết quả có thể đánh giá trong ngày hoặc trong 1-2 ngày sau khi lên chiến dịch. “Camp” (campaign = chiến dịch) facebook ngon hay không ngon có thể được đánh giá tức thì, nhưng google ads thì cần một quá trình ít nhất là 3-4 ngày để học thị trường. Cũng như Hà Nội, chạy Google Ads không vội được đâu 🙂
- Khó nhưng “xịn sò”: Vì tính control của Google ads cao hơn những kênh khác nên chạy quảng cáo trên nền tảng này có phần “khó nhằn” hơn. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà mang lại thành quả xứng đáng hơn cho các ads thủ khi biết cách chạy nó một cách bài bản và chuẩn chỉnh.
Nói không ngoa khi ở thì hiện tại, chinh phục Google Ads là đỉnh kout mà nhiều ads thủ hướng tới. Đặc biệt ở các doanh nghiệp lớn, vai trò của quảng cáo Google là không thể phủ nhận và cần được đầu tư xứng tầm.
3. Nắm rõ 5 điều cơ bản trước khi bắt đầu một chiến dịch Quảng cáo Google
Vậy để bắt đầu với Google Ads, bạn cần trang bị cho mình những gì? Dưới đây – theo mình – là 05 điều cơ bản mà newbie cần nắm rõ trước khi bắt đầu một chiến dịch quảng cáo trên nền tảng Google.
Thứ nhất, hiểu các thuật ngữ cơ bản
Ngoài những thuật ngữ về PPC và Google Ads mình nêu bên trên, Google có trăm ngàn các thuật ngữ từ thông dụng đến ít biết khác. Bắt đầu bằng việc mở “tab” Google Ads và đọc các chỉ số trên đó cũng khiến bạn cảm thấy hoa mắt vì hoàn toàn lạ lẫm: CPC, CPA, RoAS, CTR, Impression,… Mỗi thuật ngữ, mỗi chỉ số lại có một ý nghĩa riêng trong việc đánh giá sức khỏe tài khoản và chiến dịch của bạn. Hãy hiểu nó trước khi muốn bắt đầu thực hiện nó nếu không dù bạn có chạy một chiến dịch đã có số, bạn cũng không biết “camp” của bạn ngon hay dở và phải điều chỉnh nó thế nào đâu.
Và nếu được, hãy cố gắng đọc hiểu thuật ngữ và tài liệu bằng tiếng anh để hiểu đúng – đủ những gì mà thông số ấy truyền đạt. Đây không phải là sinh ngoại, đây là cách để học tập nhanh, chính xác và lâu dài.

Thứ hai, lựa một ngày đẹp trời, hãy bắt đầu bằng một “camp” Search bạn nhé!
Và dù không phải là ngày đẹp trời, cũng hãy bắt đầu chinh phục Google Ads bằng một “camp” Search nhé 🙂
Theo định nghĩa hàn lâm, chiến dịch Quảng cáo Tìm kiếm trên Google (Google Search Campaign) là chiến dịch quảng cáo trên mạng kết quả tìm kiếm rộng lớn của Google. Bạn có thể hiển thị quảng cáo tới những người đang CHỦ ĐỘNG tìm thông tin về các sản phẩm, dịch vụ của bạn trên mạng Internet. Đây là loại chiến dịch cơ bản nhất mà Google cung cấp cho nhà quảng cáo nhằm tiếp cận với những khách hàng có nhu cầu HIỆN HỮU nhất có thể, cũng là loại chiến dịch “ưu việt” mà nền tảng này tự hào có thể mang lại. Chinh phục được Google Search là bước đầu tiên và cốt lõi để có thể thông thạo các chiến dịch quảng cáo trên nền tảng rộng lớn này.

Tiếp theo, đừng vội vàng với những chiến dịch Quảng cáo của Google
Không giống như Facebook, Tiktok hay quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội khác, sau một vài giờ đồng hồ tạo chiến dịch, bạn đã có thể đánh giá hiệu quả của campaign ngay sau đó, quảng cáo của Google cần duyệt lâu hơn và trải qua khoảng thời gian “Bid Strategy Learning” để cho máy học của Google “Tìm hiểu chiến lược giá thầu”. Chính vì vậy, kết quả trong 1-2 ngày đầu của Google có thể không ổn định (hoặc thậm chí là không nhận được kết quả). Từ 3-4 ngày, bạn mới có thể tạm đánh giá được chiến dịch và tối thiểu 7 ngày để có thể điều chỉnh nó một cách hoàn hảo nhất.
Chính vì vậy, chiến dịch của Google luôn luôn được khởi tạo sớm hơn ít nhất 7-10 ngày so với các “camp” trên nền tảng mạng xã hội khác. Tức là, nếu bạn có kế hoạch chạy Facebook và Google cho cùng một “Event” (sự kiện trong chiến dịch Marketing tổng thể hoặc Digital Marketing tổng thể), trong quá trình lập kế hoạch bạn cần dự trù nhiều thời gian và khởi tạo chiến dịch Google sớm hơn nếu muốn quảng cáo Google đạt được hiệu quả tối ưu. Bất kể đó là chiến dịch tìm kiếm, hiển thị, mua sắm hay loại chiến dịch nào khác đi chăng nữa.
Quảng cáo Google không dành cho những campaign “ăn xổi”
“Ăn xổi” ở đây được hiểu là gì? Tức là bạn cần có số, ra số một cách vội vàng, hấp tấp với nhiều lý do, trong đó lý do thường gặp nhất là Chiến dịch Marketing tổng thể được duyệt trễ hoặc lên kế hoạch trễ khiến mọi thứ rơi vào tình trạng gấp rút. Trong lúc này, hãy cứ bình tĩnh để triển khai kế hoạch trên các nền tảng khác, còn riêng Google, hãy cân nhắc bạn có nhất thiết phải đầu tư cho những chiến dịch con trên nền tảng này không.
Đơn giản, muốn ra được một chiến dịch trên Google (bất kể thể loại nào), bạn cần thời gian đầu tư cho nghiên cứu và lên các kế hoạch từ khóa, creative. Như đã trình bày ở ý trên, máy học của Google cần thời gian vừa đủ để “Tìm hiểu chiến lược giá thầu” của chiến dịch và cần thời gian để tối ưu hóa sau khi có những thông tin ban đầu. Chính vì vậy, với những kế hoạch Digital Marketing triển khai gấp gáp trong vòng vài ngày, có thể thay vì phí tâm sức vào Google Ads bạn có thể đầu tư nhiều hơn cho các nền tảng khác để mang lại hiệu quả nhanh chóng, đúng với mục tiêu của những camp “ăn xổi” này đề ra hơn.
Nắm chắc lý thuyết trước khi thực hành
Bạn chạy quảng cáo Facebook hay Tiktok, bạn chỉ cần một chiếc điện thoại và một vài thao tác cơ bản trên smartphone thì đã có thể lên một chiến dịch quảng cáo và có số ngon hẳn hoi nếu các bạn test được tệp khách hàng chất lượng, sản phẩm chất lượng và giá cả hợp lý cùng với mẫu quảng cáo thực sự thu hút.
Với Google Ads thì mọi thứ không đơn giản đến vậy. Trình duyệt chạy quảng cáo Google hoàn toàn chỉ có thể thực hiện trên máy tính, laptop một cách chuyên nghiệp. Tuy cũng có 02 chế độ cho nhà quảng cáo lựa chọn là Chế độ Thông minh và Chế độ Chuyên gia, nhưng dù ở chế độ nào, người thực hiện quảng cáo cũng cần hiểu rõ các thông số, cách cài đặt từ khóa (keywords) cho chiến dịch, tạo creative vừa vặn với yêu cầu của từng chiến dịch,… Nói chung, cần phải học thì mới có thể tạo được một chiến dịch tạm gọi là chỉn chu. Chưa kể kiến thức lý thuyết cần áp dụng và thực hành nhiều lần mới ra được kết quả và đánh giá số liệu, từ đó thành thạo trong việc khởi tạo và đánh giá chiến dịch. Chính vì vậy, ít nhất bạn cần biết chút ít lý thuyết trước khi triển khai một chiến dịch quảng cáo chuẩn chỉnh và mang lại kết quả đáng để kỳ vọng. Chúc bạn khởi tạo chiến dịch thành công!
Sau những chia sẻ cơ bản về PPC và Google Ads của mình, mong rằng các bạn đã có thêm chút ít kiến thức tổng quan về loại hình quảng cáo trả tiền này. Cùng với SEO, PPC là hình thức tiếp theo mà Digital Marketer cần phải quan tâm và thành thạo trên con đường chinh phục những kiến thức và kỹ năng của ngành.
Series về Quảng cáo Google cũng như các hình thức PPC khác sẽ còn tiếp tục, đón đọc blog của mình để cập nhật thông tin bạn nhé!