Chào bạn! Mình là Mạc Lan và ở đây có Chuyện của Lan – Blog chia sẻ kiến thức Marketing & LifeStyle.
Là một marketer có kinh nghiệm hơn ba năm viết content cho nhiều website bất động sản, website bán hàng thương mại điện tử (E-commerce), blog cá nhân,… đã và đang trên con đường tìm hiểu, trau dồi và phát triển sự nghiệp content đi kèm với các kiến thức digital marketing; mình mong muốn đem đến một vài bài blog chia sẻ về những kiến thức mình tích lũy được trong quá trình nghiên cứu và làm việc xoay quanh việc viết và tối ưu content website sao cho chuẩn chỉnh.
Mong rằng series kiến thức chuyên ngành này sẽ được các bạn đọc yêu thích viết content và digital marketing đón nhận.
NỘI DUNG BLOG
Website Content là gì? Đặc trưng của Content cho Website
Theo Wikipedia, content website (hay website content) là nội dung dạng văn bản và hình ảnh được tạo ra để nâng cao trải nghiệm người dùng của một trang web. Content cho website có thể ở dạng văn bản, hình ảnh, video, âm thanh và thậm chí cả hình ảnh động nhằm mục đích tăng sự quan tâm của người dùng.
Điều này đã thực sự đúng hay chưa khi đặt nó trong bối cảnh và bản chất của một loại Content Marketing?
Hiểu đúng về Website Content
Là một định dạng của Content Marketing, nhiệm vụ chính của website content vẫn là truyền tải thông điệp truyền thông (Key Messages) trên nền tảng website của của doanh nghiệp. Nhiệm vụ tiếp theo của content cho website là nâng cao trải nghiệm của người dùng khi duyệt web, cung cấp những thông tin mà người dùng tìm kiếm về kiến thức, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Ngoài ra, điểm đặc trưng của content cho website là phải tạo ra được chuyển đổi (Conversion) trên nền tảng website (bằng landing page): Tạo Danh sách khách hàng tiềm năng (Lead Generation), đưa khách hàng tới các chuyển đổi sâu hơn hoặc trực tiếp mua hàng trên website. Đó chính là thành công lớn nhất của một website content xuất sắc.
Đặc trưng của Website Content là gì?
Lúc mới vào nghề, mình đã từng bị vứt cho một cái website tuy đã thành hình khá lâu nhưng rất bừa bộn, lúc đó khái niệm SEO còn mới mẻ và sơ khai lắm. Với kinh nghiệm ít ỏi của nghiệp content vừa mới bắt đầu kết hợp với zero phần trăm kiến thức về SEO website, mình từng đơn giản nghĩ làm website content chỉ là điền các bài blog, các mẫu tin tức vào website định kỳ theo yêu cầu của sếp. Sếp bảo thêm bài A, mình sẽ thêm bài A và chăm chỉ thêm cả bài B, bài C cho vượt chỉ tiêu KPI mà sếp đưa ra bằng cách cóp nhặt nội dung ở đâu đó. Cứ nghĩ thế là hay, là tốt rồi nhưng thực ra không phải. Đến lúc vấp phải cú tát đầu đời mình mới vỡ lẽ ra rằng “Content cho Website không dễ nhai đến vậy đâu”.
Khi ấy, công ty chuyển đổi mục đích kinh doanh và website cũ không còn phù hợp nữa, mình được sếp giao cho nhiệm vụ phải xây dựng outline của một website mới hoàn toàn 100%. Mình hoảng thực sự vì ai đã làm website bao giờ đâu, ai biết gì về code đâu trời. Đặc biệt, nhiệm vụ này khó nuốt quá đối với một người khá low-tech như mình. Mình phải mò mẫm từ những khái niệm đầu tiên như Trang chủ, Trang con, thanh công cụ, thanh điều hướng, Categories, Slider, Sign-Up Form,Pop-up,… và một chân trời mới đã thực sự mở ra. Mình đi research, nghiên cứu, tìm hiểu một cách điên cuồng tất cả các website nổi trội trong ngành bất động sản để xem website nào hay, website nào tốt, website nào tối ưu và được nhiều người biết đến. Và mình phải công nhận rằng, hóa ra trước nay mình làm content cho website chỉ là “ăn xổi”, không biết liên kết website là gì, không biết trang chủ phải viết cái gì, liên kết với trang con như thế nào. Mình cũng không biết phân categories trang sao cho hợp lý, nội dung nhất quán, gắn tag thế nào để phân chia nội dung và để content của mình trên website có thể hiển thị tốt nhất tới người xem. Đó cũng là lần đầu tiên mình tiếp xúc với khái niệm UX/UI của website và học cách bố trí tất cả content, hình ảnh, url,… tất tần tật mọi thứ trên một trang web sao cho chuẩn chỉnh nhất.

Nghĩ lại thực sự cảm ơn trải nghiệm khổ cực và tốn nhiều chất xám này đã mở ra cho mình một cơ hội học hỏi và trau dồi triệt để mà không phải ai cũng có được. Thường các newbie khi vào làm công ty sẽ được giao cho một website có sẵn và cứ đắp lên từng chút từng chút cho website ấy phong phú lên từng ngày. Thế nhưng, mọi người thường có xu hướng làm theo “lối mòn” của người cũ đã làm, quá bận hoặc là quá mệt để tìm hiểu và tối ưu một cái đã tồn tại lâu đời mà theo khái niệm thì nó “vẫn ổn” hay “vẫn xài được”. Điều đó làm hạn chế tư duy và khả năng học hỏi của marketers theo thời gian nếu không khai phá thêm kiến thức mới và tìm kiếm hướng đi đúng đắn.
Chắc chắn cũng sẽ có nhiều bạn newbie hiểu sai như mình mấy năm về trước, rằng Website Content chỉ đơn giản là những bài blog, tin tức,… được cập nhật định kỳ trên website của doanh nghiệp. Thực tế nó đúng, nhưng chưa đủ! Content xuất hiện tất cả mọi nơi trên trang web của bạn, từ trang chủ, các trang con cho đến các bài blog, tin tức, các mẫu storytelling, infographic, landing page bán hàng,… và cách trình bày, kết cấu chúng để tạo nên một nội dung website hoàn chỉnh, một thể thống nhất. Thậm chí, cách đặt một nút click trên website cũng thể hiện sự thông minh và trình độ của người làm trang ấy tới đâu.

Chính vì vậy, content cho website có đặc trưng của riêng nó, đó chính là sự liên kết đặc biệt và tuyệt đối. Là thành phần quan trọng trong việc thiết kế và kết cấu UX (User Experience) – trải nghiệm người dùng của website, content cho website cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các trang, các bài viết, các chỉ mục,… để tạo nên một thể thống nhất, thu hút và có thể dẫn dắt từ các trang, các bài đến các post một cách mượt mà, người dùng có những điểm chạm thu hút và tiếp tục với những chuyển đổi sâu hơn trên trang web.

Ngoài ra, hai “từ khóa vàng” thường được nhắc tới trong quá trình làm website content là sự liên quan (Relevant) và mức độ đáng tin cậy (Authority). Website cần khai thác được những nội dung liên quan tới nhu cầu tìm kiếm của người dùng thông qua các từ khóa (keywords) và nội dung ấy phải thực sự có độ tin tưởng, được đề xuất bởi các website uy tín cùng ngành. Search Engine (bộ máy tìm kếm) tập trung vào đó để đánh giá chất lượng và quyết định việc content của website được xuất hiện ở vị trí nào trên các mạng tìm kiếm.
Vì sao cần tối ưu riêng Website Content?
Vì việc giành giật vị trí TOP 1 trên SERPs của Google cho một từ khóa rất khó khăn chứ sao nữa 😀 . Nhưng đây cũng không phải là công việc bất khả thi nếu bạn hiểu được luật chơi của Google.
Để hiểu được vì sao bạn phải dành những “bí kíp” riêng để tối ưu Website Content, bạn cần hiểu những thuật ngữ cơ bản về cách Google tính toán và đề xuất bài viết, website của bạn lên vị trí cao của Google trước. Điều đầu tiên phải biết cách đọc SERPs – kỹ năng cơ bản cần có của một SEO content.
SERPs = Search Engine Results Page(s) là các trang kết quả tìm kiếm được Google trả về tương ứng với những từ khóa, truy vấn của người dùng bao gồm:
- Đoạn thông tin được trích dẫn hiển thị lên đầu tiên (Top 0) của Google gọi là Snippet (tên đầy đủ là Features Snippet). Snippet được trích từ một bài viết, hình ảnh hoặc video và tiêu đề cùng với URL trỏ ngược về bài viết có chứa đoạn đó, snippet cung cấp người dùng câu trả lời nhanh cho chính xác cho từ khóa hoặc truy vấn mà người dùng đang tìm kiếm.
- Paid Search (PPC): Quảng cáo có trả phí của Google hoặc Microsoft (w/o SEO effort hay còn gọi là kết quả có trả phí không nhờ nổ lực tối ưu content website). Đơn giản nhà quảng cáo muốn content của họ xuất hệ trên top đầu đối với một (một vài keywords) nào đó và họ trả tiền cho vị trí này.
- Kết quả tìm kiếm tự nhiên (Organic Result) nhờ vào nổ lực SEO content website
- Một số dạng content tự nhiên được đề xuất khác: Video, Images, News, Products (Shopping) and Map, visual carousels of results, enhanced set of results, …
- Một vài đánh giá (reviews) hoặc wikipedia thông tin về từ khóa hoặc truy vấn mà người dùng đang tìm kiếm

Và đương nhiên, muốn chơi trên sàn nào, bạn phải hiểu quy tắc của sàn đó. Bạn muốn content của mình được đánh giá cao trên nền tảng nào, trước hết bạn cần hiểu nguyên tắc đánh giá của nó, Google cũng không ngoại lệ. Muốn content của bạn được xuất hiện ở top 1, top 2 của SERP đầu tiên, không còn cách nào khác bạn phải tối ưu nó (làm SEO = Search Engine Optimization) bằng mọi cách để Google có thể đánh giá bạn là số 1 trong những nội dung mà con robot của Google có thể tìm được và đọc hiểu được.
Nói ra thì thấy đơn giản đó, nhưng kỳ thực quá trình thực hiện thì gian nan gấp bội lần. Để đáp ứng những yêu cầu của Google, bạn không những cần có nội dung hay, chất lượng mà content cho website cũng cần phải rõ ràng, dễ hiểu, có độ tin tưởng và đặc biệt là “có thể đọc được” bởi bộ đọc (Search Engine) của Google.
Vậy thế nào là một Content website tốt? Những yêu cầu nào để đánh giá một content website chất lượng? Phần tiếp theo sẽ trả lời cho bạn những thắc mắc này.
Thế nào là một Content tốt cho Website?
Nãy giờ mình nói khá nhiều về SEO website content, điều này sẽ khiến nhiều người nhận định ngay rằng content cho website chỉ cần làm SEO on-page chuẩn chỉnh là “auto on TOP”. Nhưng không phải đâu nhé!
Trong thời đại khi mà các thuật ngữ về content website và content chuẩn SEO bị lạm dụng quá nhiều, những job kiếm người viết content website chuẩn SEO 30-50K/1.000 từ được đăng tải tràn lan trên các cộng đồng viết lách, sáng tạo, làm content. Đơn giản họ chỉ cho rằng, content tốt cho website là có từ khóa, chuẩn các tag, phân bổ keywords trên các headings, meta description chuẩn chỉnh, vân vân và mây mây. Còn chất xám đào đâu ra để có từng ấy con chữ với mức giá rẻ mạt ấy thì họ chẳng bao giờ trả lời được, cứ việc xào qua xào lại từ những bài viết sẵn có. Thậm chí có nhiều chỗ còn đưa sẵn các bài SEO on top và bắt người viết xào nấu lại để trở thành những bài viết chuẩn SEO mà theo họ nghĩ là “content tốt cho website”.
Và những bạn newbie nhận viết content SEO với mức giá đó, cách viết đó là con đường ngắn nhất “rèn luyện” cho bản thân tính cách cẩu thả trong nghiệp viết, tư duy và sự sáng tạo ngày càng giảm sút, dần dần đánh mất tiềm năng của bản thân trong ngút ngàn những lần copy paste “chuyên nghiệp” theo thói quen. Nếu không nhầm thì mình đã nhắc đến điều này không dưới một lần trong series Hành trình làm Freelancer với tập Freelancer cho người mới bắt đầu bởi mình tôn trọng tuyệt đối nghiệp viết và kính trọng con chữ vô hạn.
Unique Content - Nội dung sáng tạo
Viết content trước hết là sáng tạo nội dung! Mình cần nhấn mạnh điều này, và website content cũng không ngoại lệ. Người viết content cho website tốt trước hết cần sáng tạo ra content của riêng mình – Unique Content, không copy từ những nguồn khác và content ấy phải là duy nhất. Bạn có thể học hỏi từ những bài website content ở vị trí top cao trên SERPs (thực chất đây là một bước cần có của việc lập kế hoạch SEO content website mình sẽ trình bày sau), nhưng học hỏi không có nghĩa là Copy và xào nấu lại. Google sẽ phát hiện ra điều đó và những content copy lại sẽ không được Google đánh giá cao.

Unique Concept - Hình thức mới mẻ
Sau việc sáng tạo nội dung là việc sáng tạo về hình thức trình bày. Có thể content của bạn đã đủ sáng tạo nhưng chưa đủ thu hút. Nội dung của bạn là mới mẻ, là bổ ích nhưng cách trình bày của bạn chưa đủ thuyết phục và níu chân người đọc. Đây là một trong những lỗi khá thường xuyên kể cả ở những content creator lâu năm chưa chắc có thể khắc phục và tìm được hướng đi đúng. Để có những hình thức trình bày hay còn gọi là Unique Concept cho nội dung của mình, bạn cần khám phá những hình thức trình bày mới mẻ và thu hút hơn, có thể kể đến:
- Storytelling hay còn gọi là kể chuyện. Những content creator có tố chất kể chuyện tốt thường tương tác với người đọc bằng những mẫu chuyện, ví dụ cụ thể, sử dụng từ ngữ và hành động nhằm biểu lộ các chi tiết hình ảnh, từ đó rút ra thông điệp muốn truyền tải thông qua câu chuyện của mình.
- Infographic là hình thức truyền tải nội dung bằng các đồ thị thông tin. Đây là hình thức trình bày content ngắn gọn, súc tích với hình ảnh minh họa và màu sắc sinh động, bắt mắt để truyền đạt thông tin nhanh chóng, ngắn gọn, rõ ràng hơn cho người đọc thay vì trình bày nội dung bằng từ ngữ đơn thuần. Infographic sẽ phù hợp cho việc trình bày content ở dạng tổng hợp thông tin, thống kê số liệu, xây dựng biểu đồ chu trình, quy trình làm việc,…
- Visual (voice, images & videos): Ngoài việc trình bày nội dung bằng con chữ, content creator còn có thể biến hóa nó thành các dạng thông tin như âm thanh, hình ảnh hay video để cung cấp đa dạng các hình thức nghe – nhìn – hiểu cho người xem.
- Case Study là hình thức truyền đạt nội dung bằng tình huống thực tế. Trong một case study, người viết đưa ra mọi khía cạnh của tình huống để phân tích, có ví dụ minh chứng một cách rõ ràng và dễ hiểu. Case Study thường được áp dụng trong các nội dung có tính học thuật, ứng dụng chuyên sâu mang tính lý thuyết, giúp mọi người hiểu và hình dung rõ hơn các nội dung đang được truyền đạt.

Chính vì vậy mà Unique Concept chính là yếu tố cần thiết cho một content hay và thu hút. Điều này áp dụng cho mọi nền tảng và content cho website cũng không ngoại lệ.
Friendly SEO - Content chuẩn SEO
Yếu tố thứ ba trong danh sách và cũng là yếu tố cuối cùng chính là content chuẩn SEO (Friendly SEO content) – thuật ngữ được nhắc đến khá nhiều ở bài viết này và cũng là đặc trưng của website content. Làm thế nào để có một content chuẩn SEO?
- Tối ưu hóa cho các công cụ tìm kiếm (Optimized for Search Engines): Điều đầu tiên, content phải liên quan (relevant) tới search term/query của người dùng.
- Thúc đẩy lượt truy cập của người dùng (Increase Website Traffic): Các content trên website phải bổ sung cho nhau, khuyến khích lượt truy cập của người dùng và thực sự hữu ích cho họ khi tiếp cận được nó. Từ những trải nghiệm người dùng, Google sẽ liên tục đánh giá và quyết định xem có nên tiếp tục đề xuất content của website bạn trong phiên tìm kiếm của người dùng tiếp theo hay không.
- Thúc đẩy lượt chuyển đổi (Drive Conversions): Content nào và ngay cả hoạt động marketing nào cũng vậy, đều hướng đến một mục đích cuối cùng là thúc đẩy khách hàng chuyển đổi (mua hàng, đăng ký, hoặc thực hiện một hành động nào đó theo mục tiêu marketing của doanh nghiệp). Content có thể thúc đẩy chuyển đổi chính là content thành công nhất. Landing page và CTA (Call-To-Action) chính là cầu nối để content creator thực hiện được điều đó. Tìm hiểu thêm tại blog Hiểu đúng về Landing Page. Sử dụng Landing Page hiệu quả trong một chiến dịch Marketing.
Các yếu tố nào cần lưu ý khi xây dựng một Website Content?
Sau khi xác định được một website content thế nào là tốt, người viết content cho website cần biết được yếu tố nào ảnh hưởng đến việc xây dựng một website content sao cho chuẩn chỉnh.
Đầu tiên, bạn cần hiểu chính doanh nghiệp của mình trên internet bằng cách trả lời các câu hỏi bên dưới:
- Tệp khách hàng mục tiêu trên website của doanh nghiệp là ai?
- Sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có gì đặc trưng?
- Nhu cầu của khách hàng mục tiêu (online) là gì khi tìm kiếm sản phẩm, dịch vụ (trên website) của doanh nghiệp?
- Vị thế của doanh nghiệp đang ở đâu so với đối thủ cạnh tranh trên môi trường internet?
- Mục tiêu của chiến dịch marketing này là gì (đối với content của landing page phục vụ cho một chiến dịch marketing nhất định)?
Những câu hỏi này sẽ được giải đáp trong quá trình người viết content nghiên cứu và phân tích doanh nghiệp thông qua việc sử dụng các công cụ hỗ trợ SEO (sẽ được cung cấp ở phần tiếp theo của blog).
Sau quá trình nghiên cứu, SEO-ers cần lên kế hoạch content website bao gồm:
- Hoàn thiện các nội dung hiện có của website chuẩn SEO.
- Bổ sung các content còn thiếu sau quá trình phân tích (website, khách hàng và đối thủ cạnh tranh)
- Nghiên cứu từ khóa và phân bổ content angle hợp lý trên SEO content plan.
- Viết content và publish theo kế hoạch – đảm bảo content thỏa mãn các yếu tố SEO on-page. Để thực hiện được điều này, SEO-ers cần hợp tác chặt chẽ với content creator để cho ra những bài viết thực sự chất lượng và đảm bảo các yêu cầu SEO của Google.
- Làm các hoạt động SEO off-page khác.
- Review kết quả so với kế hoạch, đánh giá và tiếp tục tối ưu.

Vòng lặp SEO cứ thế tiếp nối! SEO vì thế được xem là một hành trình không có điểm dừng, một kế hoạch dài hạn và kiến tạo giá trị lâu dài cho doanh nghiệp. Làm SEO khó, lâu, mệt nhưng sẽ đem lại trái ngọt thực sự cho các doanh nghiệp, những người xây dựng content cho website biết cách kiên trì với nó.
Blog này xin chỉ dừng lại ở việc đưa ra những kiến thức tổng quan về website content và cách làm SEO content cho website. Trong những blog tới mình sẽ nêu rõ quy trình làm SEO và cách viết content website chuẩn chỉnh.
Cảm ơn các bạn đã đón đọc.