Câu chuyện này mình viết cách đây hai năm, sau trận “liên hoàn bão” đổ xuống Miền Trung. Hôm nay đọc lại bất chợt nhớ đến câu chuyện bạn trẻ nào đó lên tóp tóp nói người miền trung keo kiệt. Thực sự đắng lòng!
Tôi là người con sinh ra nơi đất Quảng Bình gió lào cát trắng.
Dân quê tôi ngày ngày một nắng hai sương trên cánh đồng rộng lớn bao la.
Ngày lên thành phố đi học, tôi mới biết người miền Trung mình “phèn” đến thế.
Đi khắp Bắc – Nam, mọi người nói chúng tôi là dân “ki bo kẹt xỉn” từng đồng.
Đã từng buồn
Đã từng tủi
Đã từng tự vấn
Tại sao dân mình là phải sống tiện tằn?
Lớn lên rồi… dù có đi khắp phương trời lại vẫn yêu sự chân phương của đất miền Trung đầy nắng và gió.
Nếu còn ai thắc mắc…
Xin hãy nán lại để nghe chúng tôi kể đôi lời.
Và thôi đừng hỏi vì sao người miền Trung keo kiệt nữa!
Từ thuở lọt lòng đến lúc tập đi, chúng tôi đã quen với cái khổ, mùa đông lạnh tím da, mùa hè gió lào bỏng rát.
Đồng ruộng quanh năm được 2 lần gieo hạt lại chẳng mấy khi cho mùa gặt tốt tươi, thiên nhiên bạc đãi chúng tôi là thế. Và rồi những trận lũ đi qua quét đi tất cả nhà cửa nương vườn, mùa màng cây trái. Của cải tích góp cả năm theo dòng lũ mà cuốn trôi. Nếu bạn chưa biết chúng tôi sống trong cảnh khắc nghiệt thế nào, thì hãy nhìn xem
Hàng nghìn người dân Quảng Bình giở nóc nhà với tay cầu cứu trong đêm vì lũ lên đột ngột, mưa lớn suốt mùa, nước không xuống được. Những vùng bị cô lập chỉ biết ngồi cầu nguyện áo quần còn khô, mì tôm còn đủ để chia sẻ cho nhau đợi ngày nước rút.
Hà Tĩnh, Nghệ An lũ lên nhanh từng giờ, ngập lụt triền miền ngày này tháng nọ. 22 chiến sĩ của binh đoàn 337 đã vĩnh viễn nằm lại với đất mẹ Quảng Trị anh hùng trong trận sạt lở đất ngày 18/10/2020
11 chiến sĩ ứng cứu dân ở thủy điện Rào Trăng 3 đã vì nước quên thân vì dân phục vụ. Các anh nằm lại ở mảnh đất Huế trữ tình để lại vô vàn những mất mát đau thương cho người còn lại. Bài ca Tây Tiến lại lần nữa vang lên để tưởng nhớ các anh.
“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Siêu bão số 9 Molave giật cấp 18 lại vừa quét qua các tỉnh Quảng Nam – Quảng Ngãi – Bình Định – Phú Yên. Lý Sơn ngày nào còn xanh trong mặt biển, TP. Quảng Ngãi phấp phới cờ bay nay đã như bãi đổ nát sau khi cơn bão đi qua. Nhà cửa, trường học tốc mái, cây cối đổ sập, khắp nơi tôn bay phấp phới, cây cỏ xơ xác tiêu điều.
Đau thương hơn nữa là những vụ sạt lở đất liên tục ở H. Nam Trà My và H. Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng người vô tội. Những số phận vốn đã đói rách chưa một ngày được hưởng trọn cuộc sống ấm no đã phải ra đi vĩnh viễn. Số người còn nằm dưới lòng đất mẹ chưa thể tìm ra, chưa thể biết được nhưng chỉ mong kỳ tích đâu đó có thể xảy ra một lần.

Còn với những người ở lại, chứng kiến cảnh chồng mất vợ, con mất đi cả cha lẫn mẹ, người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh mà ngậm ngùi chua xót. Con người là tài sản quý giá nhất còn khó lòng bảo vệ được huống chi là nhà cửa, đồ đạc. Bão lũ cuốn đi lại làm lại từ đầu.
Nhiều người nói chúng tôi thô thiển, cướp giật từng gói mì, bao gạo từ thiện. Nhiều người nói chúng tôi không trân trọng những tấm lòng của các mạnh thường quân trên khắp đất nước gửi về. Nhiều người nói chúng tôi còn vụ lợi trong đói khổ của dân tộc, không làm mà cũng có ăn. Nghe mà chua xót!
Vẫn biết còn đâu đó những con người như thế, nhưng xin hiểu cho rằng người miền Trung vốn chất phác thật thà. Chỉ vì cái nghèo, cái đói làm chúng tôi không thể sống thanh tao, nhàn nhã được nhưng không thiếu lòng thương người và tinh thần đùm bọc lẫn nhau.
Nửa đêm 12h dân biển Hải Ninh, Ngư Thủy tỉnh Quảng Bình cùng nhau vận chuyển thuyền đánh cá vào vùng trũng, mạo hiểm tính mạng bản thân để cứu đồng bào mình còn chìm trong biển nước. Những chuyến xe 0 đồng, biệt đội cano 0 đồng lặn lội trên mọi nẻo đường không tốn một đồng vận tải, tìm kiếm đến từng nhà dân để đưa hàng cứu trợ. Phong Điền Review (Huế) gây quỹ từ thiện giúp đỡ cho gia đình mẹ con chị Phượng đã mất trong trận lũ lịch sữ ở Huế vào đầu tháng 10/2020. Quảng Trị có những chuyến xe từ miền xuôi đến miền ngược để tiếp tế lương thực, nước uống cho từng vùng bị thiệt hại do lũ lụt gây ra.
Người miền Trung keo kiệt là có thật. Dân miền Trung ki bo từng đồng vì chúng tôi không biết rằng thiên tai sẽ đến lúc nào và cuốn đi những gì, rồi còn gì để làm lại hay không? Hay là mất trắng?
Sống trong cái khổ, bản tính cần kiệm của người miền Trung được chắt chiu từ đó mà nên. Nên xin bạn đừng hỏi vì sao người miền Trung keo kiệt nữa nhé, mà hãy hiểu và yêu thương đức tính quý giá này của con người miền Trung chúng mình.
BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ

Còn lại gì sau những cơn mưa rào mùa hạ?

Chào Việt Nam những ngày hè có bão!

Da Cam
